Nội dung cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thưa ông, vừa qua Liên bang Nga đã cho phép 11 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản của Việt Nam được xuất khẩu thuỷ sản sang đó. Vì sao có sự khó dễ như vậy?
Tôi cần phải nói rõ về vấn đề này, để dư luận hiểu đúng. Trong hoạt động xuất khẩu thuỷ sản từ trước tới nay, có thị trường đặt yêu cầu cao, nhưng cũng có thị trường như Liên bang Nga không định ra tiêu chuẩn cụ thể nào. Gần đây, Nga mới đặt ra qui trình rõ ràng, theo tiêu chuẩn của họ, trong đó có yêu cầu sang tận nơi kiểm tra việc nuôi trồng, chế biến thuỷ sản ở Việt Nam.
Sau khi kiểm tra thực tế, Nga đã chấp thuận bước đầu 11 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm sang Nga. Như vậy, đây chỉ là giải quyết vướng mắc về phương pháp và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, hoàn toàn không có chuyện dư lượng chất kháng sinh như một số nguồn tin đã suy đoán.
Thị trường Nga còn nhỏ đối với hàng thuỷ sản của ta, song điều đó có ý nghĩa không nhỏ trong việc mở cửa sang nhiều nước. Thứ trưởng nhận định như thế nào?
Từ chỗ hầu như không nhập thuỷ sản Việt Nam, nay Nga đã ký hợp tác song phương với ta, nhập hàng của ta. Đặc biệt Nga rất ưa chuộng các mặt hàng cá tra, cá ba sa, bởi vì trên thế giới chỉ có sông Cửu Long mới có nguồn phù sa giàu dinh dưỡng làm cho 2 loại cá nước ngọt này phát triển nhanh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thâm nhập thị trường Nga, thuỷ sản Việt Nam cũng tạo được hình ảnh tốt trong cả khối SNG (cũ) và Đông Âu, nhất là Ba Lan, Ukraina, Séc quen ăn cá nước ngọt. Từ các thị trường này, ta sẽ có cơ hội mở rộng sang khu vực Trung Đông, châu Phi...
Mở rộng thị trường là cần thiết, nhưng có xuất khẩu được hay không lại do chất lượng sản phẩm quyết định, và kết quả giá trị xuất khẩu là thước đo của chất lượng. Vậy tình hình của ngành thuỷ sản trong 7 tháng đầu năm ra sao?
Ngành thuỷ sản kiên quyết duy trì các biện pháp mạnh trong sản xuất và chế biến. Nơi nào vi phạm 3 lần về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị ngưng xuất khẩu. Khác với các ngành trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng... hầu như sản xuất đơn lẻ, ngành thuỷ sản lại sản xuất tổng hợp và xuyên suốt, sản xuất theo chuỗi, từ biển tới bàn ăn, luôn luôn gắn đánh bắt, nuôi trồng với chế biến và tiêu thụ.
7 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,987 tỉ USD. Phân bố thị trường xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm có nhiều thay đổi.
Thị trường EU từ vị trí thứ 2 năm 2006 đã vươn lên vị trí thứ 1, đạt 500 triệu USD, chiếm 25,17% thị phần về giá trị (năm 2006 là 22,84%). Thị trường Mỹ đã trở lại vị trí thứ 2, chiếm tỉ trọng 19,58% về giá trị (389,06 triệu USD).
Thị trường Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ 3, chiếm 18,70% về giá trị, đạt 371,5 triệu USD, nguyên nhân là những tháng đầu năm Nhật Bản kiểm soát nghiêm ngặt đối với thuỷ sản Việt Nam. Xuất khẩu vào Hàn Quốc đạt giá trị 133,35 triệu USD (6,71% về giá trị), tăng 21,68% so với cùng kỳ năm 2006.
Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường ASEAN đạt 103,6 triệu USD, chiếm thị phần 5,21% về giá trị, tăng 33,14%so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tăng 25,04%, chiếm 93,24 triệu USD. Thị trường Nga đạt 63,96 triệu USD, nhưng sẽ tăng nhanh sau khi đã tháo gỡ vướng mắc về thủ tục xuất khẩu vào thị trường này.
Mặt hàng tôm đông lạnh vẫn đứng đầu trong thuỷ sản xuất khẩu, với 670,29 triệu USD, nhưng thị phần lại giảm chút ít. Cá tra và cá ba sa tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ 2, đạt 534,45 triệu USD. Cá đông lạnh chiếm vị trí thứ 3, đạt 156,67 triệu USD. Mặt hàng nhuyễn thể các loại đứng thứ 4, tăng 20,31% so với cùng kỳ năm 2006, đạt 177,98 triệu USD. Mặt hàng cá ngừ tăng 25,41% so với cùng kỳ 2006, đạt 87,13 triệu USD.
7 tháng đầu năm, khối lượng thuỷ sản xuất khẩu đạt gần 500.000 tấn, tăng 14,97%, nhưng giá trị chỉ tăng 14,44%. Điều này cho thấy nếu thường xuyên tăng cường các biện pháp kiểm soát, loại trừ các hoá chất, kháng sinh bị cấm trong sản phẩm, xuất khẩu thuỷ sản có nhiều khả năng đạt được mục tiêu kế hoạch 3,6 tỉ USD.
47 năm trước, Nhà nước tách ngành thuỷ sản ra khỏi ngành nông nghiệp, là do đã nhìn thấy triển vọng to lớn của ngành kinh tế này. Bây giờ sáp nhập trở lại, cũng nhằm tạo điều kiện cho ngành thuỷ sản phát triển mạnh hơn nữa. Để làm tốt được nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập, cần có tư duy và cách quản lý đổi mới như thế nào?
Từ năm 1993, Đảng và Nhà nước đã xác định thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn, có quản lý tổng hợp, phát huy thế mạnh về biển, coi thuỷ sản là ngành sản xuất chủ lực của kinh tế biển, là động lực lớn trong đấu tranh an ninh đối ngoại, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Chủ trương sáp nhập vì thế không đơn thuần là sự hợp nhất cơ học, trái lại đòi hỏi phải có một bộ máy quản lý tổng hợp và xuyên suốt cao hơn nữa đối với ngành thuỷ sản, phát huy được tính cộng đồng trong ngành thuỷ sản, duy trì và phát triển mối quan hệ quốc tế cũng như sự gắn bó ngành với địa phương đã có gần nửa thế kỷ.
Nói như Bộ trưởng Cao Đức Phát, sáp nhập ngành thuỷ sản vào nông nghiệp, phải lấy lợi thế sẵn có của ngành thuỷ sản để phát triển lên, không được hoà tan, càng không được để mất đi.
Trần Lê (Nguồn vietlinh)