Thủy sản đang là lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn thu về nguồn ngoại tệ lớn, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 579,26 triệu USD, giảm trên 8% về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ.
Khó khăn chồng chất
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chưa bao giờ ngành thủy sản đối mặt với hàng loạt khó khăn như lúc này. Ở trong nước, nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng khiến nhiều nhà máy lâm vào cảnh chạy cầm chừng, trong khi thị trường xuất khẩu thu hẹp do đầu ra ách tắc. 3 tháng qua, thủy sản nước ta chỉ còn giữ được 122 thị trường, giảm 37 thị trường so với năm 2008.
Tại An Giang, trước đây Công ty Cổ phần Nam Việt mỗi tháng xuất từ 15-20 triệu USD trở lên thì 3 tháng qua chỉ xuất hơn 16 triệu USD. Không riêng gì Nam Việt mà nhiều doanh nghiệp khác dù cố gắng bằng nhiều cách cũng không đạt được kế hoạch đề ra.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp lại tiếp tục bị nhiều nước gây khó. VASEP lo ngại thị trường Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Italia, Hoa Kỳ… đã và đang “bôi bẩn” nhằm hạ uy tín sản phẩm cá tra, ba sa của ta để bảo vệ sản phẩm trong nước của họ. Các chuyên gia dự báo vấn đề này sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, do đó các doanh nghiệp và ngành chức năng cần phải đề cao cảnh giác và chuẩn bị mọi tình huống đối phó để tránh thiệt hại.
Cùng chung trăn trở, ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Minh Phú, cho biết: “Thủy sản nước ta ngày càng mất thế cạnh tranh so với các nước trên thương trường quốc tế. Cụ thể, tôm của ta thường bán thấp từ 0,1- 0,2 USD/kg so với Thái Lan, trong khi giá đầu vào cao hơn từ 15%-20%”.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương có mối lo khác khi đoàn thanh tra của EU dự kiến sẽ sang Việt Nam kiểm tra các doanh nghiệp từ ngày 20 đến 30-4. Lần này EU sẽ kiểm tra vùng nuôi, thu mua, sơ chế, cảng cá, tàu cá, nhà máy… Nếu đạt chuẩn mọi chuyện sẽ dễ dàng, nếu không sẽ lâm nguy bởi EU là thị trường lớn chiếm đến 26% tổng kim ngạch, đồng thời là thị trường “chuẩn” của thủy sản thế giới.
“Sát cánh” cùng doanh nghiệp
Bộ NN-PTNT cho rằng, dù khó cách mấy xuất khẩu thủy sản cũng phải cố gắng về đích, phấn đấu đạt giá trị 4,5 tỷ USD, tương đương với năm 2008. Trước những khó khăn dồn dập, người đứng đầu Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định sẽ “sát cánh” cùng cộng đồng doanh nghiệp thủy sản. Bộ NN-PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, gia tăng xuất khẩu.
Trước mắt, bộ sẽ “tập dượt” cho các doanh nghiệp bằng cách kiểm tra thử ngẫu nhiên một cách gắt gao hơn cả đoàn thanh tra EU, nhằm giúp các doanh nghiệp nhìn lại chính mình để nhanh chóng khắc phục. Quan điểm của Bộ NN-PTNT là dốc sức cùng doanh nghiệp vượt qua đợt kiểm tra này.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, nếu mọi chuyện trót lọt sẽ có thêm hàng chục doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào EU trong thời gian tới, cộng với sự mở cửa trở lại của thị trường Nga sẽ tạo đà để xuất khẩu thủy sản tăng tốc. Với những doanh nghiệp “ăn xổi ở thì”, bán hàng kém chất lượng gây mất uy tín chung cho ngành, Thứ trưởng Lương Lê Phương cho biết tới đây, bộ sẽ mạnh tay với vấn đề này.
Từ nay trở đi, tất cả các doanh nghiệp khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga phải thông qua Ban điều hành kiểm soát về giá cả, chủng loại, sản lượng, chất lượng… chứ không cho xuất tự ý như trước. Các hợp đồng xuất khẩu quy về một mối, sản phẩm cá tra khi vào thị trường Nga cũng phải thực hiện theo quy trình khép kín từ “con giống, thả nuôi, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu” nhằm tránh nhiễm kháng sinh.
Bên cạnh vấn đề chất lượng và kiểm soát chặt sản phẩm xuất khẩu, ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Minh Phú đề xuất Nhà nước nên có quy hoạch cụ thể vùng nuôi thủy sản tập trung quy mô lớn, có đầu tư thủy lợi hoàn chỉnh để tránh tình trạng nuôi tự phát thải nước tràn lan gây dịch bệnh. Song song đó, cần có chính sách phát triển nguồn giống căn cơ, chất lượng; khuyến khích mở rộng diện tích bắp, khoai mì, đậu… để làm nguyên liệu chế biến thức ăn, hạn chế nhập khẩu nhằm giảm giá thành.
Bộ NN-PTNT xác định, Nga chính là thị trường lớn đối với thủy sản Việt Nam trong tương lai. Thuận lợi cơ bản là thị trường Nga không cầu kỳ về quy cách, mẫu mã… vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam dễ chế biến nhưng phải đảm bảo chất lượng.
Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ và thống nhất siết chặt quản lý xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, không chấp nhận tình trạng làm ăn gian dối. Xem việc thành lập Ban điều hành xuất khẩu cá tra vào thị trường Nga là mô hình thí điểm, để nhân rộng sang các thị trường khác.
Nguyễn Duy (Nguồn vietlinh)