Nhật vừa gửi "tối hậu thư" yêu cầu Việt Nam cấp bách cải thiện chất lượng thủy sản. Cùng lúc, Nga cử đoàn thanh tra đến Việt Nam để kiểm tra lần cuối các cơ sở chế biến thủy sản nhằm xem xét khả năng cho phép nhập khẩu trở lại. Liệu các doanh nghiệp (DN) thủy sản trong nước có vượt qua được thử thách trong cơ hội cuối cùng này? Đó là nỗi lo lớn trong cuộc họp khẩn cấp với các DN do Bộ Thủy sản và Vasep tổ chức hôm qua 3.7 tại TP.HCM.

Bấp bênh thị trường Nga

Nếu cách đây 1 - 2 năm, thủy sản Việt Nam đã có bước đột phá mãnh liệt vào thị trường Nga với mức tăng trưởng gấp 10 lần các năm trước đó thì hiện nay, tình hình lại hết sức ảm đạm. Từ tháng 4.2007, Nga đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước cấm nhập khẩu thủy sản vào thị trường này với lý do vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Với rào cản đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Nga lập tức bị đình trệ.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Nga được thế giới đánh giá là thị trường tiêu thụ thủy sản đầy tiềm năng, mức tiêu thụ thủy sản của Nga dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2010 so với năm 2006. Ngày 7.7 sắp tới, Nga sẽ cử đoàn thanh tra đến kiểm tra các nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam để xem xét lại quyết định tạm ngưng nhập khẩu từ tháng 4 đến nay. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất từ phía Nga chính là thủ tục.

Bởi theo thông tin mà các DN có được, thanh tra Nga sẽ đến với... tay không, nghĩa là không có một văn bản pháp lý, không có tiêu chuẩn quốc tế hay trong nước để đối chiếu, so sánh khi kiểm tra. Ông Nguyễn Tử Cương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản cho biết: "Tình hình này buộc chúng ta đứng trước 2 lựa chọn, một là yêu cầu phía Nga phải gửi trước danh sách liệt kê các mục cần kiểm tra để chúng ta chuẩn bị, hai là từ chối đón tiếp. Nếu họ không đồng ý yêu cầu và quay về, nghĩa là chúng ta mất thị trường Nga!".

Khi Nhật ra "tối hậu thư

Ngày 25.6.2007, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori đã có bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Thủy sản Việt Nam về vấn đề tồn dư kháng sinh trong thủy hải sản xuất khẩu sang Nhật. Bức thư có đoạn: "Từ năm ngoái đến năm nay, liên tiếp tìm thấy chất kháng sinh bị cấm theo luật vệ sinh thực phẩm của Nhật trong mực và tôm xuất khẩu từ Việt Nam. Nếu trong thời gian tới cũng tiếp tục phát sinh các trường hợp vi phạm thì cơ quan phụ trách kiểm dịch của Nhật Bản bắt buộc phải xem xét áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu...". Như vậy, sau khi đã áp dụng nhiều biện pháp... từ nhẹ đến nặng, phía Nhật Bản đã ra “tối hậu thư” đi đến hình phạt cấm nhập khẩu.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu vào Nhật 6.000 lô hàng và đã có 94 lô bị cảnh báo, chiếm 1,6%. Trong đó, các loại kháng sinh bị phát hiện nhiều nhất là Chloramphenicol (CAP), AOZ (dẫn xuất của Nitrofurans), Coliform... Theo VASEP, nguyên nhân nhiễm CAP chủ yếu từ việc bảo quản nguyên liệu trong quá trình khai thác; các lô tôm nhiễm AOZ có khả năng bị nhiễm trong quá trình trị bệnh cho tôm của nông dân tại ao. Ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết: "Thách thức và cơ hội của chúng ta đang ở cùng một chỗ: Nếu giải quyết tốt thị trường Nhật Bản, sẽ có thêm đơn hàng từ Mỹ do thị trường này giảm sút nguồn cung từ Trung Quốc. Ngược lại, nếu xử lý không tốt vấn đề kháng sinh tại Nhật thì các nhà nhập khẩu lập tức gây sức ép về giá và chất lượng đối với hàng Việt Nam.

Với tình hình như vậy, VASEP đã chính thức công bố tình trạng khẩn cấp đối với việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nhật, đồng thời tiến hành kiểm soát dư lượng kháng sinh tất cả các lô hàng xuất khẩu vào Nhật của các DN chưa có khả năng kiểm soát...

Quang Thuần

(NTNT), Thanh niên, 4/07/2007,  Nguồn www.vasep.com.vn