Chế biến sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Út Xi, tỉnh Sóc Trăng.
Tuần này, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đã tăng trở lại và đạt mức 14.000 đồng/kg (loại thịt trắng). Còn tôm sú, đang vào vụ thu hoạch rộ, nhiều nơi dù còn xảy ra tình trạng thương lái “ép giá” nhưng nhìn chung, giá tôm sú nguyên liệu vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể: tôm loại 30 con/kg giá 108.000 – 110.000 đồng/kg, tôm loại 40 con/kg: 85.000 – 90.000 đồng/kg… Theo nhận định của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, có sự biến động về giá như trên là do nhu cầu nhập khẩu thủy sản đông lạnh của thị trường nước ngoài tăng vào những tháng cuối năm.
Theo Cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm của cả nước đạt 2,36 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng chú ý của xuất khẩu thủy sản 8 tháng qua là kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ba Lan, Ukraina… tiếp tục tăng. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng mở thêm được nhiều thị trường xuất khẩu mới như: Thụy Điển, Australia, Hy Lạp…
Riêng ở ĐBSCL, 8 tháng đầu năm nhiều tỉnh, thành đã tăng cả sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản. Theo Sở Thương mại TP Cần Thơ, 8 tháng đầu năm 2007, thành phố đã xuất khẩu 48.120 tấn thủy sản sang hơn 30 thị trường truyền thống, đạt tổng giá trị khoảng 150 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn thành phố cũng tích cực tiếp thị các mặt hàng cá tra, ba sa, tôm block, sò điệp, bạch tuộc sang một số thị trường mới như: Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan, Israel, Liban, Nga… Cùng thời gian này, tỉnh An Giang đã xuất được 77.000 tấn thủy sản đông lạnh, đạt khoảng 213 triệu USD, tăng 50% về lượng và tăng 63% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Còn ở tỉnh Sóc Trăng, kim ngạch xuất khẩu của Công ty cổ phần Thủy sản tăng 3,32%; Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta tăng 10,09%; Công ty TNHH Phương Nam tăng 39,65%... Những công ty này góp phần đáng kể làm tăng giá trị xuất khẩu thủy sản của Sóc Trăng 8 tháng đầu năm nay trên 205 triệu USD, tăng 8,41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), những rào cản kỹ thuật từ thị trường Mỹ, Nhật Bản, rồi đến thị trường Nga… từ hồi đầu năm đến nay làm cho các doanh nghiệp phải gánh chịu những thiệt hại hết sức nặng nề (cả về tài chính và uy tín). Nguyên nhân chính nằm ở khâu sản xuất nguyên liệu chưa được kiểm soát hữu hiệu. Rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu luôn là “gánh nặng” và là vấn đề cấp bách cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Mới đây, ngày 6-9, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 77/2007/CT-BNN tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản thủy sản sau thu hoạch và kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong các lô hàng thủy sản xuất nhập khẩu. Chỉ thị này nêu rõ: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; kiến nghị cơ quan có chức năng rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh thủy sản. Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh Thú y Thủy sản (Nafiqaver) đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thủy sản. Tất cả các lô hàng cá da trơn, giáp xác (tôm, cua…), thủy sản chân đầu (mực, bạch tuộc…) để chế biến xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa đều phải được kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh. Đây được xem là một biện pháp mạnh của cơ quan chức năng trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thông lệ hàng năm, do nhu câu nước ngoài lớn nên kim ngạch xuất thủy sản sẽ tăng mạnh mẽ vào những tháng cuối năm. Vì thế, không riêng gì TP Cần Thơ, các tỉnh ĐBSCL đang trông chờ vào sự bứt phá của ngành này trong gần 4 tháng còn lại của năm 2007, để đạt chỉ tiêu xuất khẩu chung như kế hoạch đã đề ra.
Bài, ảnh: HÀ TRIỀU (Nguồn vasep)