Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu (XK) thuỷ sản của cả nước đạt trên 632 nghìn tấn, trị giá gần 2,2 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng và 7,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch XK các mặt hàng chính đều giảm, trừ hàng khô: tôm giảm 1,8%, cá tra, basa giảm 4,8%, cá ngừ giảm 14,2%, mực, bạch tuộc giảm 14,8%, hàng khô tăng 14,2%.
Tôm vẫn đứng đầu về kim ngạch XK, chiếm 35,4% tổng GT XK, với 776,7 triệu USD trong 7 tháng. Tôm hiện nay được xuất sang hơn 70 thị trường. Khó khăn lớn nhất của DN XK tôm hiện nay là thiếu nguyên liệu, nhất là tôm cỡ vừa và nhỏ, vốn đang được các thị trường lớn như Nhật Bản và Mỹ ưa chuộng. Chất lượng tôm nguyên liệu cũng là một vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp xuất khẩu.Ngày 29/7/2009, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) tổ chức hội nghị tại Cà Mau vận động các doanh nghiệp chế biến tôm thực hiện chương trình “Doanh nghiệp nói không với tôm tạp chất”. Các doanh nghiệp tham dự Hội nghị đã thống nhất cao, cùng ký bản cam kết thực hiện chủ trương không tiếp nhận tôm có tạp chất, nhằm nâng cao chất lượng tôm xuất khẩu. XK tôm 2 tháng gần đây đã có xu hướng tăng trưởng trở lại, trong đó XK trong tháng 7 tăng 19,8% về lượng và 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 24 nghìn tấn và 187,5 triệu USD.
XK cá tra, basa cũng đang gặp không ít khó khăn, nhất là những rào cản về thương mại và kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ (CBPG, Farmbill) và EU (gần đây con cá tra Việt Nam liên tục bị truyền thông một số nước Châu Âu như Tây Ban Nha, Italia, Na Uy "bôi bẩn"). 7 tháng đầu năm XK cá tra, basa đứng thứ 2 về kim ngạch với trên 737 triệu USD, chiếm 33,6% tổng XK TS của cả nước. XK cá tra trong tháng 7 giảm lần lượt 18,6% và 14,4% đạt 56,9 nghìn tấn và 132,6 triệu USD.
XK các mặt hàng chính khác như cá ngừ và mực, bạch tuộc đông lạnh cũng liên tục giảm trong 7 tháng qua do khủng hoảng kinh tế thế giới làm giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thuỷ sản cao cấp, đồng thời nguyên liệu khai thác cũng không đủ chế biến xuất khẩu, nhất là trước hiện trạng Trung Quốc cấm biển ở khu vực miền Trung Việt Nam. Hiện các DN đang trông chờ vào chính sách ưu đãi của nhà nước về nhập khẩu nguyên liệu để có đủ đầu vào cho XK. Mực, bạch tuộc chiếm 7% với trên 153 triệu USD, trong khi cá ngừ chiếm 4,5% với trên 98 triệu USD.
XK thuỷ sản sang các thị trường chính đều giảm tương đối, trừ Mỹ tăng 8,5% và Trung Quốc tăng 21,7%. EU vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 26% tỉ trọng, tiếp đến là Nhật với 17,5% và Mỹ 17%
XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2009 Nguồn: Vasep (Theo số liệu Hải quan Việt Nam) | ||||||||
Sản phẩm | Tháng 7/2009 | So với cùng kỳ 2008 (%) | Từ 1/1 – 31/7/2009 | So với cùng kỳ 2008 (%) | ||||
KL | GT | KL | GT | KL | GT | KL | GT | |
Tôm đông lạnh | 24.150 | 187,516 | +19,8 | +8,9 | 96.439 | 776,680 | +5,7 | -1,8 |
Cá tra, basa | 59.662 | 132,395 | -18,6 | -14,4 | 325.920 | 737,144 | -4,5 | -4,8 |
Cá ngừ | 5.319 | 15,907 | +2,7 | -16,2 | 29.745 | 98,466 | -7,9 | -14,2 |
Cá khác | 9.688 | 25,959 | -27,9 | -38,8 | 53.986 | 169,977 | -27,4 | -29,3 |
Mực và bạch tuộc đông lạnh | 8.235 | 28,238 | -13,5 | -17,7 | 43.714 | 153,452 | -10,5 | -14,8 |
Hàng khô | 4.085 | 16,586 | +1,1 | +4,8 | 22.537 | 91,547 | +26,0 | 14,2 |
Hải sản khác | 10.466 | 28,431 | -1,5 | -25,6 | 59.774 | 169,531 | -2,4 | -16,5 |
Tổng cộng | 121.606 | 435,032 | -10,8 | -8,7 | 632.114 | 2196,796 | -5,2 | -7,8 |
Nguồn vasep