Giá điện, nước, nguyên liệu chế biến… tăng cao, trong khi đó, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá bán sản phẩm liên tục tụt giảm… đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang gặp khó khăn, nay lại càng bế tắc…

THIẾU NGUYÊN LIỆU CHẾ BIẾN

Ông Sum Kin Chiew, Tổng Giám đốc Công ty TNHH East Wind Việt Nam một doanh nghiệp chế biến bột cá đóng ở huyện Tân Thành cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu chế biến, giá thu mua không ổn định. Sản lượng nguyên liệu thu mua bình quân trong 4 tháng đầu năm nay thấp hơn 80% so cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời điểm này năm ngoái, trung bình mỗi ngày công ty thu mua khoảng 80 tấn nguyên liệu, năm nay chỉ mua được tối đa 30 tấn/ngày. Do vậy, từ đầu năm đến nay, công ty mới chỉ sản xuất và tiêu thụ được hơn 89 tấn thành phẩm, trong khi cùng kỳ này năm ngoái, sản lượng đạt hơn 2.400 tấn. 3 dây chuyền chế biến bột cá của công ty có công suất 350 tấn/ngày, từ đầu năm đến nay chỉ hoạt động 20% công suất.

Các nhà máy sản xuất Surimi cũng trong tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Công ty TNHH Thịnh An, ấp Láng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành hiện mỗi ngày chỉ có một vài xe chở nguyên liệu loại 2,5 tấn vào nhập hàng, không đủ nguyên liệu cho dây chuyền máy có công suất hơn 30 tấn nguyên liệu/ngày hoạt động. Do vậy, nhà máy phải muối nguyên liệu chờ khi nào gom đủ sản lượng mới chạy máy. Công ty TNHH Chang Hua Việt Nam, tại Phước Cơ, TP. Vũng Tàu cũng nằm trong tình trạng tương tự. Theo kế hoạch, trong 4 tháng đầu năm nay, công ty sẽ chế biến xuất khẩu 1.000 tấn chả cá Surimi và mô phỏng cua, nhưng công ty chỉ thực hiện được 400 tấn, giảm tới 50%... so với cùng kỳ năm ngoái.

GIÁ NGUYÊN LIỆU TĂNG CAO

Tình trạng khan hiếm đã dẫn đến giá nguyên liệu liên tục bị đẩy lên. Theo ông Sum Kin Chiew, trước đây giá cá sô tạp 3.000 đồng/kg, nay tăng lên 3.600 đồng, có loại lên đến 4.600 đồng. Sự biến động giá nguyên liệu diễn biến hàng ngày khiến doanh nghiệp rất khó trong việc mua bán, ký hợp đồng bán sản phẩm. Thị trường, giá cả bấp bênh đang làm các doanh nghiệp khó khăn thực hiện hợp đồng. Đại diện Công ty TNHH thực phẩm Phạm, ở phường 11, TP. Vũng Tàu cho biết, công ty này chuyên sản xuất các loại thực phẩm từ nguyên liệu tôm, mực, cá xuất khẩu, thời gian qua, khó khăn lắm công ty mới ký được hợp đồng xuất khẩu với khách hàng nhưng khi triển khai thực hiện hợp đồng thì giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao, khiến doanh nghiệp phải lỗ. Ông Trần Thiện Trung, Kế toán trưởng công ty cho biết: Giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, kéo theo giá thành tăng, trong khi giá đầu ra đã ký hợp đồng, vì vậy doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài khó khăn về nguyên liệu, hiện nay các doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc sử dụng điện. Không chỉ giá điện tăng, mà còn việc áp dụng giờ cao điểm 2 lần trong ngày, khiến ngành sản xuất đặc thù như chế biến thuỷ hải sản càng khó khăn hơn.

Sở Công thương cho biết từ đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản bị thu hẹp, sản lượng hợp đồng giảm khoảng 30-50%, giá bán nhiều mặt hàng cũng giảm mạnh. Do vậy, từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch đề ra.

Được biết, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với các loại nguyên liệu thủy sản trong nước không có, hoặc có nhưng sản lượng nhỏ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thủy sản chế biến xuất khẩu, tạo việc làm, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng không làm ảnh hưởng đến nuôi trồng và khai thác thủy sản trong nước. Đây là một động thái tích cực, nếu được thực thi sẽ góp phần gỡ khó cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trong giai đoạn hiện nay.

Phan Hà <br>Nguồn vietlinh