(Thủy sản Việt Nam) - Năm 2010, xuất khẩu tôm Việt Nam lần đầu tiên vượt qua con số 2 tỷ USD khi cán đích với kỷ lục 2,08 tỷ USD. Bước sang năm 2011, xuất khẩu tôm vẫn đang tiếp tục dẫn đầu trong nhóm ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Tôm sú vẫn thắng

Đầu năm 2011, các tỉnh ĐBSCL lao đao vì dịch bệnh trên tôm diễn ra trầm trọng, hơn 53.000 ha diện tích bị thiệt hại. Tuy nhiên, do nhanh chóng khắc phục được hậu quả nên vụ thu hoạch tôm sú năm nay vẫn thắng lợi. Đến thời điểm này, 70% hộ dân tại Trà Vinh đã thu hoạch, sản lượng tôm ước tính đạt hơn 17.900 tấn. Dự kiến năm 2011, Trà Vinh thu hoạch khoảng 20.000-21.000 tấn, tăng 1.000-2.000 tấn so với vụ nuôi năm 2010.

Bên cạnh đó, giá tôm sú nguyên liệu cũng tăng cao đáng kể và liên tiếp lập kỷ lục. Tại huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), loại 15 con/kg có giá 260.000 đồng/kg; loại 20 con/kg giá 225.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 190.000 đồng/kg, đặc biệt với tôm sú loại 5 con/kg giá lên tới 305.000-310.000 đồng/kg...

Về mặt xuất khẩu, ngay từ những ngày đầu năm, xuất khẩu tôm của nước ta đã cho thấy tín hiệu của một năm đầy triển vọng với tốc độ tăng trưởng cao về cả khối lượng và giá trị. 6 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu tôm sú đạt 56.115 tấn, trị giá 611,2 triệu USD, tăng 15% về khối lượng và 30,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh: An Đăng

 

Tôm thẻ chân trắng bứt phá

Dịch bệnh diễn biến phức tạp và trên diện rộng từ đầu năm 2011 đối với các vùng tôm sú đã có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động xuất khẩu (tôm sú chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm). Trong bối cảnh đó, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng lại đang có sự tăng trưởng mạnh.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, thì tuy khối lượng tôm thẻ chân trắng xuất khẩu thấp hơn tôm sú nhưng giá trị gia tăng lại lớn hơn, nên lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng bằng tôm sú. Và năm nay, kim ngạch tôm thẻ chân trắng xuất khẩu sẽ vươn lên đạt 50% kim ngạch toàn ngành (khoảng 1 tỷ USD).

Cũng theo ông Hòe, tình hình thiếu tôm sú nguyên liệu sẽ còn có thể tiếp tục kéo dài, nên để bù đắp phần thiếu hụt nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang chế biến và xuất khẩu tôm thẻ chân trắng.

 

Đối phó với cạnh tranh

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang là một trong những nước xuất khẩu tôm hàng đầu trên thế giới, với các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và EU. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 101.782 tấn tôm các loại, trị giá trên 971 triệu USD. Và lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất từ Việt Nam với khối lượng đạt 19.344 tấn, trị giá 216,5 triệu USD, tăng 28,7% về khối lượng và 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, chỗ đứng của tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản lại đang có nhiều thay đổi. Các số liệu về nhập khẩu tôm vào Nhật Bản 4 tháng đầu năm nay cho thấy Thái Lan đã vươn lên vị trí dẫn đầu với 11.700 tấn, trong khi Việt Nam rơi xuống vị trí thứ 3 với 8.752 tấn, sau cả Indonesia với 10.580 tấn. Các chuyên gia trong ngành lo ngại, với đà tăng trưởng mạnh như hiện nay của Thái Lan, thì rất có thể, nước này sẽ “soán ngôi” của tôm Việt Nam tại Nhật Bản.

 

Đảm bảo về đích

Theo các chuyên gia, diện tích tôm sản xuất trong nước tăng đảm bảo tăng sản lượng, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Thị trường tôm được dự báo là sẽ ổn định hơn, nhất là ở 4 thị trường chính Nhật Bản, Mỹ, EU và Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2011 sẽ tiếp tục giữ ở mức trên 2 tỷ USD, đạt khoảng 2,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, để làm được điều này, ngành tôm Việt Nam sẽ phải tiếp tục tập trung vào sản xuất, tăng cường kiểm soát các vấn đề về dư lượng kháng sinh mà nhiều thị trường đang đặt ra như một biện pháp hạn chế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc, phát triển quy hoạch các vùng nuôi an toàn và cuối cùng là đẩy mạnh truyền thông, tập trung quảng bá, xây dựng thương hiệu cho tôm Việt Nam.

 

Con số - sự kiện

1,56 tỷ USD

Là tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam 9 tháng đầu năm 2011, tăng gần 22% so với cùng kỳ 2010.

570.000 ha

Là diện tích thả nuôi tôm tôm sú và tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh ĐBSCL, tính đến tháng 8/2011.

98.000 tấn

Là sản lượng thu hoạch tôm tại các tỉnh ĐBSCL, tính đến hết tháng 7/2011.

82.000 tấn

Là diện tích tôm bị thiệt hại cả nước tính đến ngày 30/9/2011, bằng 294% so với cùng kỳ năm 2010.

1.595,8 ha

Là tổng diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh Tiền Giang tính đến thời điểm hiện tại, với gần 2.000 hộ nuôi.

Theo Thủy sản Việt Nam