Nửa đầu tháng 1/2009, những tín hiệu nhập khẩu (NK) khả quan mặt hàng mực, bạch tuộc từ ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản không thể “kéo lại” mức tăng trưởng âm từ nhiều thị trường NK chính…
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu (XK) mực, bạch tuộc nửa đầu tháng 1/2009 giảm 17,4% về khối lượng (KL) và 10,9% về giá trị (GT) so với cùng kỳ năm 2008 đạt 2.419 tấn, trị giá 8,83 triệu USD.
Có thể nhận thấy rằng: Cho đến đầu năm 2009, 3 trung tâm khủng hoảng kinh tế thế giới là: Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản vẫn liên tục đưa ra những chỉ số bi quan: thất nghiệp gia tăng, nhu cầu tiêu thụ từ Âu sang Á đều bị chững lại... cộng thêm những ngày gần kề Tết Nguyên đán, nhiều nhà máy chế biến tại Việt Nam “giảm tốc”, tàu khai thác nghỉ dài ngày… khiến hoạt động XK mực - bạch tuộc chưa có dấu hiệu phục hồi.
Nếu năm 2008, XK mực, bạch tuộc sang Nhật Bản có chiều hướng chững lại và tụt dốc thì bước sang nửa đầu tháng 1/2009, Nhật Bản lại trở lại vị trí là thị trường tiêu thụ sản phẩm nhuyễn thể chân đầu lớn nhất của Việt Nam.
Ngoài Nhật Bản, ASEAN và Trung Quốc cũng là 2 thị trường có mức tăng trưởng đột biến khi ASEAN tăng 302,1% về KL và 199,4% về GT, Trung Quốc tăng 149,1% về KL và 148,7% về GT so với cùng kỳ năm 2008. Còn lại, tại hầu hết các thị trường khác vẫn tỏ ra khá “lạnh nhạt” với mặt hàng hải sản này.
Trong đó cơ cấu thị trường NK chính mực, bạch tuộc của Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ nhất, chiếm 40,1% về giá trị, tiếp đó là Hàn Quốc chiếm 25,2%, EU (16,1%), Trung Quốc (7,1%), Đài Loan (6,3%), Mỹ (2,4%) và các nước khác chiếm 2,7%.
Năm 2008, XK mực, bạch tuộc sang thị trường Hàn Quốc giảm rõ rệt, đến nửa đầu tháng 1/2009, XK sang thị trường này tiếp tục giảm 27,4% về KL và 22,5% về GT so với cùng kỳ năm 2008.
Năm 2008, ngoài hai mặt hàng chủ đạo: cá tra philê đông lạnh và tôm, EU còn là thị trường NK mực, bạch tuộc số 1 của Việt Nam với khối lượng 28,56 nghìn tấn và giá trị 101,7 triệu USD tăng 17,6% về KL và 26,6% về GT so với năm 2007. Nhưng đến nửa đầu tháng 1/2009, EU tụt xuống hàng thứ 3 (sau Nhật Bản và Hàn Quốc) khi khối lượng NK giảm đến 38,7% và giá trị giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không thể “miễn dịch” với cuộc khủng hoảng tài chính, XK bị giảm sút, lòng tin của người tiêu dùng tại ASEAN, Trung Quốc cũng bị xói mòn do sự nhức nhối của thị trường tín dụng khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn.
Ngược lại với xu hướng của các thị trường chính, năm 2008, NK mực, bạch tuộc của Trung Quốc giảm 4,4% về KL và 0,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nửa đầu tháng 1/2009 trùng với dịp Tết nguyên đán đã đẩy sức tiêu thụ hải sản tại thị trường rộng lớn này lên cao, XK mực, bạch tuộc sang Trung Quốc tăng 149,1% về KL và 148,7% về GT so với cùng kỳ năm 2008. Cũng trong thời gian này, nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc tại ASEAN tăng 302,1% về KL và 199,4% về GT so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng buồn, đầu năm 2009, tại một số quốc gia như: Thụy Sỹ, Ôxtrâylia, Mỹ, Đài Loan, Italia… lượng NK mực, bạch tuộc vẫn giảm đáng kể.
Có thể, trong thời gian tới, nền kinh tế của nhiều quốc gia vẫn chưa lấy lại được sự cân bằng, ngoài các thị trường truyền thống: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…DN XK mực, bạch tuộc sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn hơn
Nguồn vasep