Đến nửa đầu tháng 7/2009, xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục giảm sút cho dù đầu ra thuận lợi hơn so với những tháng đầu năm. Tại thời điểm này, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu (XK) mực, bạch tuộc vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn về nguồn nguyên liệu trong nước…
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến nửa đầu tháng 7/2009, cả nước xuất khẩu được 39,4 tấn mực, bạch tuộc với tổng trị giá 138,5 triệu USD, giảm 10,5% về khối lượng (KL), 15% về giá trị (GT) so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng nửa đầu tháng 7/2009, Việt Nam XK 3.955 tấn mực, bạch tuộc tương đương 13,35 triệu USD, giảm 16,1% về KL, 22,4% về GT so với cùng kỳ năm 2008.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp XK mực, bạch tuộc, đến nay nhiều thị trường NK lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ… đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét, nhu cầu tiêu thụ ổn định hơn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến nửa đầu tháng 7/2009, XK sang hầu hết các thị trường vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái (trừ Hàn Quốc, Mỹ và ASEAN).
Nếu chỉ tính riêng nửa đầu tháng 7/2009, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang ASEAN bị giảm mạnh: 58,2% về KL, 70,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng tính chặng đường từ ngày 1/1 - 15/7/2009, ASEAN lại là tâm điểm mới của bức tranh XK mực, bạch tuộc của Việt Nam khi tăng đến 131,8% về KL, 50,7% về GT so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Malayxia tăng 575,4% về KL, 419,7% về GT so với cùng kỳ năm 2008.
Ngoài ASEAN, Hàn Quốc và Mỹ cũng là hai thị trường nhập khẩu tương đối ổn định của mực, bạch tuộc Việt Nam tính đến nửa đầu tháng 7/2009. Đây là 3 thị trường giữ được mức tăng trưởng toàn diện cả về khối lượng và giá trị XK so với cùng kỳ năm ngoái: Hàn Quốc tiếp tục là nhà nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 2, tăng 4,6% về KL, 6,6% về GT, Mỹ tăng 28% về KL, 25,8% về GT so với cùng kỳ năm 2008.
Nhiều DN cho rằng, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc tại thị trường Nhật Bản, Châu Âu bắt đầu tăng cao do sự hồi phục dần dần của nền kinh tế; sức tiêu thụ tại Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc chậm lại nhưng ổn định. Tính đến nửa đầu tháng 7/2009, khối lượng mực, bạch tuộc XK sang Nhật Bản giảm 7%, giá trị tăng 0,1%, EU giảm 30,9% về KL, 42,3% về GT; Đài Loan tăng 8,7% về KL, 23,5% về GT, Trung Quốc giảm 22% về KL, 32,9% về GT, Ôxtrâylia tăng 1% về KL, giảm 0,1% về GT, Ixrael giảm 28,8% về KL, 36,6% về GT so với cùng kỳ năm 2008.
Hiện nay, các cơn bão xảy ta liên tiếp tại vùng biển từ Bắc vào Nam khiến nguồn nguyên liệu hải sản khan hiếm. Chính tại thời điểm này, nhiều DN phản ánh rằng: thời gian kiểm hàng và chờ giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý dài khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu thanh toán.
Thậm chí các lô hàng thủy sản nhập khẩu đang bị ách tắc tại các cửa khẩu (cảng biển, cảng hàng không...) do một số quy định tạm thời về việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam...
Trong thời gian tới, hoạt động chế biến, XK mực, bạch tuộc sẽ còn khó khăn hơn.
Tạ Vân Hà (Nguồn vasep)