Năm 2009, sản lượng khai thác cá ngừ tại Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên… tương đối ổn định so với năm ngoái, giá nguyên liệu tương đối tốt. Tuy nhiên, cho đến nửa đầu tháng 6/2009, xuất khẩu cá ngừ vẫn đạt mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước. Nhiều “đại gia” chế biến, xuất khẩu (XK) cá ngừ đã tính đến chuyện đa dạng hóa mặt hàng hải sản XK thay vì quá đầu tư cho mặt hàng cao cấp này như những năm trước…

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ ngày 1/1 – 15/6/2009, Việt Nam đã XK 21,6 nghìn tấn cá ngừ với tổng trị giá 73,4 triệu USD, giảm 10% về khối lượng (KL) và 14,1% về giá trị (GT) so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính riêng nửa đầu tháng 6/2009, cả nước XK 2.196 tấn cá ngừ, xấp xỉ 6,97 triệu USD sang 63 quốc gia, tăng 10,3% về KL, 3,9% về GT so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều DN chế biến, XK cá ngừ cho rằng: Cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng từ năm 2008 khiến thói quen tiêu thụ tại nhiều thị trường vẫn chưa nhiều chuyển biến tích cực. Người dân chuyển sang ăn những thực phẩm rẻ tiền hơn, còn các bạn hàng lại đưa ra nhiều lý do để giảm đơn hàng và giá bán. Mặc dù khó khăn, nhiều nhà XK cá ngừ Việt Nam vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ làm ăn với bạn hàng truyền thống và lựa chọn đối tác tránh rủi ro trong XK.

Cho đến tháng 4/2009, EU vẫn được coi là thị trường NK ổn định và lớn nhất của cá ngừ Việt Nam. Tuy nhiên, đến nửa đầu tháng 6/2009, Mỹ đã đẩy EU xuống hàng thứ 2 trong bảng tổng sắp các thị trường lớn nhất NK cá ngừ từ Việt Nam. Từ ngày 1/1 – 15/6/2009, Việt Nam đã XK 7.360 tấn cá ngừ với tổng trị giá 26,83 triệu USD sang Mỹ, tăng 16,2% về KL và 21% về GT so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính trong khoảng thời gian này, chỉ có Mỹ, Li Băng và Ôxtrâylia đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2008.

Mặc dù đang đứng ở thứ hạng cao nhất trong các thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam nhưng theo nhiều DN chế biến, XK cá ngừ, Mỹ là thị trường đầy “phiêu lưu” do rào cản kỹ thuật cao, thất thường và khâu thanh toán phức tạp và ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo họ, EU vẫn là thị trường tiêu thụ ổn định nhất nhưng đáng tiếc, cho đến nửa đầu tháng 6/2009, XK cá ngừ Việt Nam sang thị trường này mới đạt 8.038 tấn và giá trị 25,75 triệu USD, giảm 1,1% về KL, 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính riêng nửa đầu tháng 6/2009, XK cá ngừ sang cả Mỹ và EU đều tăng trưởng mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài Mỹ và EU, Nhật Bản cũng là bạn hàng lớn của cá ngừ Việt Nam nhưng cho đến nửa đầu tháng 6/2009, XK mặt hàng hải sản cao cấp sang thị trường này vẫn chưa có chiều hướng tích cực. Từ ngày 1/1 – 15/6/2009, XK cá ngừ Việt Nam sang Nhật Bản giảm 36,4% về KL và 38,8% về GT so với cùng kỳ năm trước.

Cho dù, tính đến nửa đầu tháng 6/2009, XK cá ngừ sang Li Băng tăng đến 100,5% về KL, 111,6% về GT, Ôxtrâylia tăng 9,7% về GT so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo các nhà XK cá ngừ lớn của Việt Nam, các quốc gia NK này vẫn chỉ là những thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ và đầy “sóng gió”.

Mặc dù, nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước khá hơn so với năm trước, giá bán cũng nhỉnh hơn nhưng lượng cá đủ tiêu chuẩn XK vẫn chưa lớn do trình độ khai thác, bảo quản của ngư dân chưa cao làm giảm giá trị XK. Tại các thị trường tiêu thụ mặt hàng này vẫn trầm lắng, giá XK đứng im hoặc xuống dốc…không phải cho đến thời điểm này, nhiều nhà XK cá ngừ Việt Nam mới chuyển dịch cơ cấu mặt hàng XK, họ đa dạng hóa sản phẩm hải sản XK, giảm giá trị cá ngừ trong cơ cấu để giảm thiểu rủi ro.

Tạ Vân Hà (Nguồn vasep)