Bước qua mùa cá ngừ đại dương, sản lượng khai thác tại nhiều ngư trường của tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… đều giảm mạnh. Nguồn nguyên liệu trong nước khan hiếm, nhiều doanh nghiệp (DN)chế biến, xuất khẩu (XK) cá ngừ loay hoay tìm cách nhập khẩu nguyênliệu. Một nghịch lý khiến các doanh nghiệp chế biến đang phải đau đầu: giá cá ngừ nội địa còn cao hơn giá nhập khẩu (NK) và XK…

Tiếp diễn không khí ảm đạm từ đầu năm, tính đến hết tháng 6/2009, xuất khẩu cá ngừ vẫn đang dừng ở mức tăng trưởng âm.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2009, cả nước xuất khẩu được 24,4 nghìn tấn cá ngừ với tổng trị giá 82,56 triệu USD, giảm gần 10% về khối lượng (KL) và 14% về giá trị (GT) so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 6/2009, Việt Nam xuất khẩu được 4.973 tấn cá ngừ tương đương 16,1 triệu USD, giảm 1,8% về KL, 5,4% về GT so với cùng kỳ năm 2008.

Hiện nay, các nhà xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang gặp khó khăn, do nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản… chưa phục hồi, trong khi các nhà nhập khẩu luôn đòi giảm giá và yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm. Tại Việt Nam, giá nguyên liệu cá ngừ tươi vẫn ở mức ngất ngưởng do sản lượng khai thác thấp. Một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá ngừ tươi nguyên con chia sẻ: Tính đến tháng 6/2009, gần đây, nhờ những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, giá XK cá ngừ sang thị trường Nhật Bản đã tăng lên chút ít.

Vẫn e ngại về khâu thanh toán phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro tại thị trường Mỹ, nhưng nhiều nhà XK cá ngừ Việt Nam đều thừa nhận rằng: So với các thị trường nhập khẩu khác, cho đến nay, đây vẫn là thị trường tiêu thụ tương đối ổn định cá ngừ Việt Nam. Thống kê của Hải quan Việt Nam cũng phản ánh rõ điều này. Nhìn “toàn cảnh” xuất khẩu cá ngừ 6 tháng đầu năm 2009, Mỹ vẫn là quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là một trong số ít thị trường giữ được đà tăng trưởng toàn diện cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2008, với 8.516 tấn và trị giá 30,7 triệu USD, tăng 19,1% về KL, 23,5% về GT so với cùng kỳ năm ngoái.

Phải chăng sự sụt giảm từ các thị trường lớn truyền thống trong cơn khủng hoảng đã thúc đẩy các nhà xuất khẩu cá ngừ Việt Nam kiếm tìm những mảnh đất màu mỡ mới? LiBăng là một thị trường như vậy. Cho dù chỉ đứng thứ 6 trong bảng tổng sắp các thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam 6 tháng đầu năm nhưng rõ ràng mức tăng trưởng đột biến: tăng 165,2% về KL, 161,7% về GT so với cùng kỳ năm ngoái tại thị trường LiBăng phản ánh bước chuyển hướng của các nhà xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.

Tính đến hết tháng 6/2009, EU - thị trường tiêu thụ ổn định và an toàn của cá ngừ Việt Nam vẫn ở mức tăng trưởng âm, giảm 1,3% về KL, 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái cho dù, trong thời gian này, Bỉ vẫn tăng 84,5% về KL, 89,2% về GT, nếu tính riêng tháng 6, thị trường này tăng đến 249,5% về KL, 290,3% về GT so với cùng kỳ năm trước.

Nếu 6 tháng đầu năm 2009, các thị trường nhập khẩu khác không đồng loạt giảm sút về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái: Nhật Bản giảm 40,2%; Ixraen giảm 21,3% về GT; Angiêri giảm 23,5% về GT; Croátia giảm 41,5% về GT, Thụy Sỹ giảm 35,8% về GT, các nước khác giảm 48,7%... có lẽ, bức tranh XK cá ngừ Việt Nam sẽ không vắng vẻ đến vậy.

Đơn hàng không nhiều như năm trước, nguồn nguyên liệu nội địa khan hiếm, giá tăng cao… các doanh nghiệp chế biến, XK cá ngừ vẫn cố gắng tìm kiếm nguồn nguyên liệu tại các quốc gia lân cận. Hơn nữa, càng về cuối năm, sản lượng cá ngừ trong nước càng ít, sản phẩm cá ngừ Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trên thị trường…

Tạ Vân Hà (Nguồn vietlinh)