Kết thúc năm đầu gia nhập WTO, xuất khẩu của Việt Nam cầm chắc kim ngạch 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006 và vượt 3,1% so với mục tiêu 46,76 tỷ USD mà Chính phủ đề ra.
Có 10 mặt hàng và nhóm mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là thủy sản, gạo, cà phê, cao su, dầu thô, dệt may, giày dép, điện và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ và nhóm sản phẩm cơ khí. Trong đó, ngoài 4 mặt hàng lớn truyền thống là dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản đều đạt trên 3 tỷ USD, hai mặt hàng điện tử và sản phẩm gỗ cũng đạt trên 2 tỷ USD.
Nhìn trên tổng thể, điều gây chú ý nhất là dệt may đã chính thức “qua mặt” dầu khí để soán ngôi đầu bảng trong các mặt hàng xuất khẩu với mức tăng 32% (7,7 tỷ USD) so với dầu khí bị giảm đến 7,4%. < P>
Một điều gây bất ngờ nữa là nhóm các sản phẩm cơ khí đã tăng tốc đến 120% để có mặt trong “nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD” với kim ngạch 2,2 tỷ USD so với năm ngoái xấp xỉ 1 tỷ USD.
Tất nhiên, một số nông sản chủ lực cũng thắng lớn trong năm nay do những lợi thế về giá trên thị trường thế giới: thủy sản đạt 3,75 tỷ USD, gạo 1,48 tỷ USD, cao su 1,41 tỷ USD.
Những con số trên có thể nói là ấn tượng. Thế nhưng, nếu xét kỹ, chúng ta vẫn không khỏi lo ngại về chất lượng xuất khẩu.
Không chỉ dầu thô bị tụt hạng do nguồn dầu khí đang cạn dần, sản lượng khai thác không đạt chỉ tiêu (kế hoạch là 17 triệu tấn nhưng chỉ khai thác đạt 15 triệu tấn), một số mặt hàng khác như cà phê, mặc dù lượng tiêu thụ chiếm tỷ lệ nhất nhì thế giới nhưng năm nay sản lượng xuất khẩu cũng giảm đến 22,3%.
Điều đáng lo ngại không chỉ ở chuyện giảm sản lượng, mà quan trọng hơn, cà phê Việt Nam đang bị nhiều thị trường “tẩy chay” vì kém chất lượng. Cụ thể như ở thị trường London (Anh), có đến 80% cà phê của Việt Nam giao dịch tại đây bị loại. Cùng với cà phê, một số mặt hàng nông - thủy sản khác của Việt Nam cũng bị nhiều nước “trả về” do vi phạm về định mức vệ sinh.
Trong khi đó, ngay mặt hàng vừa vượt lên dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là dệt may cũng đang đối mặt với vấn đề chất lượng. Ngay những người đứng đầu của ngành này đã phải thừa nhận, để đạt được kim ngạch xuất khẩu 7,7 tỷ USD, ngành dệt may đã phải chi phí hết… 5,3 tỷ USD để nhập nguyên phụ liệu. Do đó, giá trị xuất khẩu thực chất chỉ còn hơn 2 tỷ USD.
Đã vậy, việc thực hiện kế hoạch chủ động 50% nguồn nguyên phụ liệu vào năm 2010 để góp phần tăng giá trị xuất khẩu của ngành này coi như đã… “phá sản” vì nhiều nhà máy, dự án đến nay vẫn chưa đâu vào đâu, trong khi gần như toàn bộ thị trường trong nước đã bị hàng Trung Quốc “thôn tính”…
Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác xuất khẩu năm 2008 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, dự kiến năm 2008 kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ đạt 58,6 tỷ USD, tăng 10 tỷ USD so với năm 2007, tốc độ tăng trưởng lên đến 22%.
Ông Biên kỳ vọng, năm 2008 - năm thứ 2 Việt Nam tham gia WTO sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiếp cận với nhiều thị trường hơn, mức thuế cũng thấp hơn. Ngoài ra, vị trí và vai trò của Việt Nam trên quốc tế đã được cải thiện, nhất là trong hợp tác kinh tế thương mại, là nhân tố trực tiếp tác động đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy lời Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên phát biểu là có cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đối với một nền kinh tế là giá trị thực chất của xuất khẩu mang lại chứ không phải ở sản lượng hàng hóa xuất khẩu.
Nhưng, những giải pháp cụ thể nhằm làm thế nào tháo gỡ những vướng mắc, thách thức để tăng giá trị của các mặt hàng xuất khẩu thì dường như không thấy ai đề cập. Càng đáng lo khi mà theo lời ông Biên, tăng trưởng xuất khẩu năm 2008 được kỳ vọng nhiều nhất là dệt may (dự kiến đạt 9,5 tỷ USD)!
Phan Trung (Nguồn vasep)