Nghề câu cá ngừ đại dương mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 15 năm qua đã mang lại nguồn lợi xuất khẩu ngày càng tăng, góp phần xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho ngư dân vùng Nam Trung Bộ đặc biệt là ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Hiệp hội Cá ngừ đại dương cũng đã được thành lập ở 3 địa phương trên với mong muốn tạo liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu và nhà quản lý để cùng chia sẻ lợi ích, khắc phục khó khăn trong nghề. Tuy nhiên, để có thương hiệu cho con cá ngừ Việt Nam và hướng tới sự phát triển bền vững, bình đẳng cần phải có Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam.

* Cần một tổ chức pháp lý

Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên khẳng định: Việc ra đời của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam là việc tất yếu. Bởi lẽ đây sẽ là tổ chức có đủ tư cách pháp lý gắn kết các hội viên nghề cá ngừ đại dương trong toàn quốc, cùng chia sẻ lợi ích và cả rủi ro. Cá ngừ đại dương là đối tượng chịu sư chi phối, điều chỉnh của Hiệp định đàn cá di cư quốc tế, nằm dưới Công ước quốc tế Luật biển. Theo Hiệp định này, mỗi vùng biển trên thế giới đều được phân chia và quản lý theo vùng. Cá ngừ là loài di cư, đến vùng biển Việt Nam là chịu sự điều hành của Ủy ban Nghề cá đông tây Thái Bình Dương. Tổ chức này chịu trách nhiệm cấp hạn ngạch khai thác, xuất khẩu cá ngừ hàng năm cho các nước trong khu vực. Hiện Việt Nam chưa tham gia tổ chức này. Nếu trong thời gian tới, Việt Nam không có Hiệp hội Cá ngừ để gia nhập tổ chức này thì sẽ không có hạn ngạch khai thác, và đương nhiên việc xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ gặp rào cản thương mại. Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên vừa được thành lập đầu tháng 3/2009, thời gian tới, Hiệp hội sẽ liên kết với Hiệp hội Cá ngừ tỉnh Bình Định, Khánh Hoà để từng bước thành lập Hội Cá ngừ Việt Nam và tham gia Uỷ ban Nghề cá đông tây Thái Bình Dương. Đây là một bước đi dài nhưng chúng ta phải làm để hướng tới sự phát triển bền vững và bình đẳng, đúng tiêu chuẩn với các nước bạn.

Các Hiệp hội cá ngừ đại dương địa phương hỗ trợ ngư dân từng bước hiện đại hoá phương tiện đánh bắt, hình thành các tập đoàn đánh bắt xa bờ có hiệu quả; nâng cao trình độ khai thác, kỹ thuật và phương pháp bảo quản cá, đảm bảo tiêu chuẩn kích cỡ, chất lượng cá xuất khẩu, bảo vệ và quản lý có hiệu quả nguồn lợi cá ngừ, bảo vệ môi trường, tạo mối quan hệ quốc tế để xúc tiến thương mại…Từng địa phương xây dựng, đảm bảo thương hiệu cá ngừ đại dương của tỉnh mình, sau đó là thương hiệu cá ngừ Việt Nam. Hiện nay, đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của cả nước là khoảng hơn 1.500 chiếc, tập trung chủ yếu ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, tuy vậy cũng mới chỉ có khoảng 50 tàu là chuyên dụng đánh cá ngừ, còn lại là tàu của ngư dân. Cá ngừ đại dương chủ yếu dành cho xuất khẩu, ít tiêu thụ tại thị trường nội địa do giá đắt hơn so với các loại cá khác. Năm 2008, cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam vẫn thu được hơn 188 triệu USD, tăng hơn 25% so với năm 2007 mặc dù số lượng xuất khẩu tương đương là hơn 52.000 tấn. Hiện cá ngừ Việt Nam đã có mặt tại nhiều khu vực trên thế giới, đứng đầu là thị trường Tây Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Từ đầu năm 2009 tới nay, ngư dân Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà đều trúng đậm cá ngừ đại dương do thời tiết thuận lợi. Mức giá thu mua cũng tương đối cao so với cùng kỳ năm 2008, ở Khánh Hoà cá loại 1 lên tới 140.000 đồng/kg, ở Bình Định là 115.000 đồng/kg, còn ở Phú Yên là khoảng 85-90.000 đồng/kg.

(Vinanet)