Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến nay các doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu 319.595 tấn cá tra, tăng 4,9% về khối lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Trong các tháng 1 và 2-2011, giá xuất khẩu cá tra trung bình xấp xỉ 2,55USD/kg; nửa đầu tháng 3-2011 giá xuất khẩu trung bình tăng lên 2,62USD/kg. Riêng tháng 6, giá cá tra xuất khẩu trung bình 2,79USD/kg, tăng so với tháng 6-2010 (trung bình 2,15USD/kg). Lần đầu tiên kể từ năm 2008 đến nay, chúng ta đã chặn đứng được đà giảm giá xuất khẩu liên tục và đã thành công khi tăng giá trị xuất khẩu lên trên 25%. Đây là sự nỗ lực của các DN chế biến xuất khẩu và hiệu ứng tốt từ một số chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, như áp dụng giá sàn cá tra phi- lê xuất khẩu, cùng quy định nghiêm ngặt về điều kiện sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra được đưa vào Nghị định Quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa.

Hiện nay cá tra xuất khẩu đã có mặt ở 129 thị trường với 155 DN tham gia xuất khẩu. Trong 20 thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam (chiếm 70% về giá trị và sản lượng) có 14 thị trường giá xuất khẩu tăng, nổi bật là các thị trường Úc, Ý, Bỉ và Nga, giá xuất khẩu tăng 3-11% và có 6 thị trường bị giảm giá nhưng ở mức không đáng kể. Đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU)- thị trường xuất khẩu chủ lực của cá tra Việt Nam, hiện nay đã có 22/27 nước thuộc EU nhập khẩu sản phẩm cá tra và chiếm trên 32,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2010, giá xuất khẩu cá tra sang EU chỉ tăng 7,4% và mức tăng tại thị trường này thấp hơn so với các thị trường trọng điểm khác như Hoa Kỳ, ASEAN, Nam Mỹ.

Thị trường Hoa Kỳ có mức tăng trưởng rất tốt trong 6 tháng đầu năm 2011, với kim ngạch đạt trên 118 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010. So với thị trường EU, thị trường Hoa Kỳ với khối lượng xuất khẩu bằng 38% sản lượng xuất khẩu sang EU nhưng giá trị đạt 49%. Còn các nước Nam Mỹ như Mexico, Chilê, Brazil... vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt, đặc biệt là Brazil với mức tăng 137% so với cùng kỳ. Thị trường các nước trong khối Asean như Singapore, Thái Lan, Philippines cũng đạt mức tăng trưởng 42% so với cùng kỳ năm 2010. Theo VASEP, sau vụ việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ thì thị trường Đức và Tây Ban Nha vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục; đặc biệt là sụt giảm nghiêm trọng tại Tây Ban Nha, giảm 31,3% về lượng và 22% về giá trị.

Hiện nay, các DN Việt Nam đang mở rộng thị trường các nước Đông Âu, các nước thuộc SNG và các nước ven Địa Trung Hải; đồng thời chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất, chế biến. Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong 6 tháng đầu năm 2011, số DN chế biến thủy sản được công nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và được phép xuất khẩu sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc là 162 DN. Tổng khối lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu được các Trung tâm vùng thuộc Cục kiểm tra và cấp chứng thư trong 6 tháng đầu năm là 261.938,7 tấn xuất khẩu vào EU, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Canada... Còn theo VASEP, hiện có 49 DN chế biến cá tra xuất khẩu đã áp dụng tiêu chuẩn Global GAP vào quy trình sản xuất và chế biến, các DN còn lại đều áp dụng những tiêu chuẩn chất lượng quốc tế khác như: HACCP, SQF 2000CM, SQF 1000CM...

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nói: “Thị trường nhập khẩu luôn đòi hỏi những chứng nhận tiêu chuẩn khác nhau, do vậy, ngày 8-7 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành hướng dẫn áp dụng VietGAP trên con cá tra. VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết để nâng cao chất lượng sản xuất và nâng cao chất lượng toàn hệ thống. Và là cơ sở nền tảng để hướng tới những tiêu chuẩn quốc tế khác”. Theo ông Tuấn, khi xây dựng VietGAP, ngành nông nghiệp đều dựa trên 4 nguyên tắc: sản xuất sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, môi trường và đảm bảo an sinh xã hội. Đây là những điều kiện cần và bắt buộc DN, người nuôi phải tuân thủ để sản phẩm cá tra đứng vững trên thị trường xuất khẩu.

Với diện tích trên dưới 6.000ha ở vùng ĐBSCL, nhưng hằng năm đã đem về nguồn thu ngoại tệ trên 1 tỉ USD và trở thành ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu chiến lược. Tuy nhiên, trên thị trường thế giới hiện đã xuất hiện đối thủ cạnh tranh với cá tra Việt Nam. Trong năm 2010, Ấn Độ đã sản xuất được 500.000 tấn cá tra, 6 tháng năm 2011 đã làm được 750.000 tấn; Ấn Độ từng thành công với cuộc cách mạng xanh về lương thực. Do vậy, cần có chiến lược củng cố và xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế một cách dài hơi.

HẢI ĐĂNG

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 31/07/2011