Phản ứng đối với việc Mỹ chỉ trích hàng xuất khẩu của Trung Quốc, nước này đã cấm nhập khẩu thịt gà và thịt lợn từ công ty Tyson Foods, công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới và 6 công ty khác của Mỹ.

Bên cạnh đó các cơ quan quản lý ở Bắc Kinh cũng tăng cường kiểm tra hàng xuất khẩu, chủ yếu là thủy sản của 42 công ty trong nước, trong đó có 17 công ty chuyên xuất khẩu sang Mỹ.

Nhưng động thái chống lại Tyson, sau khi Trung Quốc bị Mỹ chỉ trích tuần trước, đã dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ xảy ra tranh chấp thương mại.

Theo ông Andy Rothman, nhà nghiên cứu chiến lược Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc cần tránh những hành động giống như trả đũa và cả hai bên cần nỗ lực để không làm cho vấn đề có tính chính trị. Dường như Trung Quốc đang làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng.

Xuất khẩu thực phẩm và các hàng hóa khác của Trung Quốc sang Mỹ trong những tháng qua đã bị giám sát sau một loạt tin xấu về vấn đề an toàn. Tháng trước, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ đã cấm nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc cho đến khi các nhà cung cấp chứng minh được sản phẩm của họ an toàn.

Trong mấy tuần gần đây, Bắc Kinh đã đóng cửa hơn 100 nhà máy chế biến thực phẩm và tuần trước đã xử tử cựu Cục trưởng Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm vì tội tham nhũng.

Nhưng tuần trước, chính quyền Bush đã lên tiếng chỉ trích cực kỳ mạnh mẽ về vấn đề này, với lời cảnh báo gay gắt của Bộ trưởng Thương mại Carlos Gutierrez rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn đối với hàng xuất khẩu của họ.

Để phản ứng lại, ngày 13/7 cơ quan an toàn thực phẩm Trung Quốc đã thông báo phát hiện salmonella trong gà đông lạnh của công ty Tyson bán ở Trung Quốc và trong chân gà đông lạnh của công ty Inter­vision Foods, Mỹ.

Ngoài ra họ còn phát hiện chất ractopamine, một loại phụ gia thức ăn, trong tai lợn đông lạnh của công ty Van Luin Foods USA, thịt lợn đông lạnh của AJC International và sườn lợn đông lạnh của Cargill Meat Solutions và dư lượng thuốc chống ký sinh trong chân gà đông lạnh của Sanderson Farms.

Việc nhập khẩu hàng của Cargill và Van Luin đã bị đình chỉ 45 ngày trong khi các công ty còn lại bị đình chỉ một thời gian không xác định.

Nhập khẩu vỏ bọc lạp xường của một công ty Mỹ “Triumph Foods” bị đình chỉ 45 ngày do nhiễm ractopamine.

Nhập khẩu tôm và cá của công ty Iexco International Trading ở Philippines và Nachimex ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Các công ty Cargill, Tyson và AJC International đã bác bỏ những kết luận này của Trung Quốc.

Với nỗ lực xoa dịu cơn phẫn nộ của thế giới, Trung Quốc đã tạm thời đình chỉ xuất khẩu của 42 công ty thực phẩm có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn thực phẩm của các nước nhập, trong đó có EU, Mỹ và Nhật.

Theo www.vasep.com.vn