Sáng ngày 24/12/2010, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011. Tới dự có đại điện các Cục, Vụ và đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản và đại diện Hội Nghề cá Việt Nam và VASEP.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Tổng cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng Thủy sản Chu Tiến Vĩnh và Phạm Anh Tuấn đã chủ trì Hội nghị
            Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, giai đoạn 2006 - 2010, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng đều đặn qua từng năm, sản lượng tăng gấp 6 lần so với chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch đến năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân về diện tích 3,7%/năm, tốc độ tăng bình quân về sản lượng trung bình 27%/năm. Diện tích thả nuôi năm 2010 ước đạt 1,1 triệu ha, sản lượng ước đạt khoảng 2,8 triệu tấn.      
Trong năm 2010, thời tiết có nhiều biến đổi phức tạp, có 6 cơn bão và 4 cơn áp thấp nhiệt đới đã gây ra hiện tượng mưa kéo dài, lũ quét làm cho các tỉnh Trung bộ, Nam trung bộ ngập trong thời gian dài gây thiệt hại về người, tàu thuyền khai thác và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó phải tiếp tục xử lý giải quyết các rào cản thương mại gặp phải liên quan đến các vụ kiện chống phá giá tôm, tên gọi catfish đối với cá tra, dư lượng trifluralin trong nuôi tôm và mới đây nhất là việc cá tra bị WWF một số quốc gia châu Âu đưa vào danh mục màu đỏ… Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản Tổng cục Thủy sản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt gần 2,4 triệu tấn với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương ở vùng biển miền Trung, cá hồng, cá hố, cá chim và mực ở ngư trường ngoài khơi tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, sứa ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt gần 2,8 triệu tấn. Giá trị sản xuất thuỷ sản tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước (giá cố định 1994), trong đó, giá trị khai thác thủy sản tăng 6,5% và nuôi trồng thuỷ sản tăng 6% (Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê).
Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được đẩy mạnh thông qua các hoạt động đánh giá tổng kết 5 năm triển khai chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2006 - 2010; Thực hiện dự án truyền thông về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Phát hành Atlat các loại thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đã giải quyết một số vụ việc nhập khẩu sinh vật ngoại lai xâm hại vào Việt Nam như vụ việc rùa tai đỏ ở Vĩnh Long. Công tác kiểm tra, giám sát tàu cá hoạt động trên biển cũng đạt được những kết quả khả quan.
Trong kế hoạch năm 2011, mục tiêu nuôi trồng thủy sản phấn đấu đạt 1,1 triệu ha diện tích nuôi trồng, sản lượng đạt 3 triệu tấn, trong đó nước lợ đạt 1,1 triệu tấn, nước ngọt đạt 1,8 triệu tấn, các loài thủy sản khác đạt 127 ngàn tấn. Tiếp tục hoàn thiện Nghị định về cá tra, xây dựng các quy phạm thực hành nuôi (GAP). Về khai thác, tập trung tổ chức thực hiện các chính sách, chú trọng công tác quản lý tàu cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Tổng cục trưởng Thủy sản đã khẳng định, năm 2010, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tồn tại những khó khăn, Tổng cục vẫn duy trì được truyền thống của ngành trong thời gian qua, đảm bảo nề nếp hoạt động, tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ và các Hội Nghề cá, VASEP, quản lý chỉ đạo sát sao sản xuất, đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2006 – 2010,. song đã. Hợp tác quốc tế đã đạt được những kết quả nổi bật, có nhiều triển vọng thu hút vốn ODA. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2011, Tổng cục cần tạo sự chuyển biến về công tác điều tra nguồn lợi và thống kê, dự báo, quản lý thông tin về tàu thuyền thủy sản và chú trọng công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đối với nuôi trồng thủy sản cần sớm có lộ trình thay thế đàn cá Tra bố mẹ và các đối tượng chủ lực như tôm nước lợ, nhuyễn thể, quản lý tốt chất lượng các yếu tố đầu vào như giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, môi trường nuôi... Cần có các giải pháp đột phá để tăng cường vốn đầu tư cho thủy sản từ các nguồn ODA, FDI và trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, khẩn trương rà soát và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý phát triển thủy sản, kiện toàn tổ chức bộ máy và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ CCVC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Tổng cục.
Bài và ảnh Thu Hiền
(www.tongcucthuysan.gov.vn)