1. MỞ ĐẦU
Dự án điều tra liên hợp Việt – Trung đánh giá nguồn lợi hải sản trong Vùng đánh cá chung ở vịnh Bắc Bộ giai đoạn 2 (2008-2010) được thực hiện trên cơ sở hợp tác điều tra giữa Việt Nam và Trung Quốc với hai nội dung chính là: (1) Điều tra nguồn lợi hải sản trong Vùng đánh cá chung và (2) Điều tra hiện trạng khai thác của các loại nghề, các đội tàu khai thác trong Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ.
Mục tiêu của việc điều tra hiện trạng khai thác nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về tình hình khai thác hải sản và xu thế biến động năng suất đánh bắt, sản lượng khai thác hàng năm của các đội tàu, từ đó cung cấp thông tin cho việc điều chỉnh cường lực khai thác phù hợp. Bài viết này sẽ trình bày một số kết quả điều tra chính liên quan đến tình hình hoạt động khai thác hải sản trong Vùng đánh cá chung của các đội tàu khai thác hải sản Việt Nam ở quý 3 và 4 năm 2008.
2. TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Thu thập số liệu
2.1.1. Lựa chọn điểm thu mẫu
Cơ cấu đội tàu, nghề nghiệp và hoạt động khai thác hải sản ở các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ mang nét đặc trưng cho từng vùng khá rõ[1]. Dựa trên quy mô nghề cá và số lượng tàu thuyền được cấp phép khai thác ở Vùng đánh cá chung của từng địa phương, các điểm thu mẫu hoạt động khai thác hải sản được lựa chọn, gồm : Bến cá Vân Đồn, Hạ Long, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Bà (Hải Phòng); Diêm Điền (Thái Bình); Sầm Sơn, Hậu Lộc, Tĩnh Gia (Thanh Hóa); Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Hội (Nghệ An); Quảng Trạch, Đồng Hới (Quảng Bình). Tổng số tàu được cấp phép khai thác của Việt Nam là 1.542 chiếc, bao gồm cả tàu làm dịch vụ hậu cần (Bảng 1).
Bảng 1. Số lượng tàu thuyền khai thác hải sản đăng ký cấp giấy phép khai thác trong Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ năm 2007, phân theo nghề và theo tỉnh
Tỉnh | Câu | Chụp mực | Kéo đôi | Kéo đơn | Rê đáy | Rê nổi | Vây | Dịch vụ | Tổng |
Quảng Ninh | 17 | 24 |
|
|
|
|
|
| 41 |
Hải Phòng |
| 122 |
|
|
| 67 |
| 4 | 193 |
Thái Bình |
|
| 35 |
|
| 3 |
|
| 38 |
Thanh Hóa | 3 | 194 |
|
|
| 62 | 128 | 13 | 400 |
Nghệ An | 11 | 16 |
|
| 13 | 10 | 26 |
| 76 |
Quảng Bình | 44 | 436 |
|
|
| 8 | 32 |
| 520 |
Quảng Trị |
|
|
|
|
| 15 | 11 |
| 26 |
Đà Nẵng |
|
|
| 18 |
| 60 | 3 |
| 81 |
Quảng Ngãi |
|
|
|
| 96 |
| 6 |
| 102 |
Bình Định |
|
|
|
|
|
| 55 |
| 55 |
Khánh Hòa |
|
|
|
|
| 10 |
|
| 10 |
Tổng | 75 | 792 | 35 | 18 | 109 | 235 | 261 |
| 1.542 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1.2. Phương pháp thu thập thông tin về tình hình hoạt động khai thác của các đội tàu
Thông tin về tình hình hoạt động khai thác hải sản được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp thuyền trưởng hoặc chủ tàu khi tàu về bán cá. Toàn bộ thông tin được ghi chép chi tiết vào biểu phỏng vấn. Quy trình thu mẫu được thực hiện theo hướng dẫn của FAO[2, 3], một số chỉ số được lựa chọn khi thu mẫu gồm:
1. Các chỉ số hiện trạng khai thác hải sản: tổng sản lượng chuyến biển, sản lượng khai thác theo các nhóm thương phẩn, ngư trường khai thác.
2. Các chỉ số cường lực khai thác: công suất máy tàu, thời gian chuyến biển, thời gian hoạt động trong tháng, thời điểm khai thác, kích thước mắt lưới sử dụng, số mẻ lưới đã thực hiện, số nhân công trên tàu.
3. Ngoài ra, chỉ số xác suất hoạt động của các đội tàu trong Vùng đánh cá chung cũng được thu thập làm cơ sở cho việc ước tính tổng sản lượng hải sản khai thác trong Vùng đánh cá chung.
2.2. Phương pháp phân tích số liệu
Các chỉ số hoạt động khai thác của các đội tàu gồm: năng suất khai thác trung bình (kg/ngày), số ngày hoạt động khai thác trung bình trong tháng, thời gian chuyến biển, thành phần sản lượng và tổng sản lượng khai thác được phân tích bằng phương pháp thống kê mô tả thông thường và được ước tính riêng cho từng đội tầu, từng quý theo hướng dẫn của FAO[2, 3].
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Tình hình hoạt động khai thác
3.1.1. Nghề câu
Trên mỗi tàu câu có khoảng 7-8 ngư dân tham gia khai thác, sử dụng khoảng 12 – 17 dây câu. Thông tin từ các cuộc phỏng vấn cho thấy nghề câu hoạt động khai thác kiêm nghề cùng với nghề chụp. Thông thường ban ngày các đội tàu câu tập trung vào đối tượng là cá và ban đêm thì câu mực. Khi cá hoặc mực tập trung xung quanh tàu với mật độ cao thì ngư dân sử dụng lưới chụp để khai thác. Xác suất hoạt động khai thác của các đội tàu câu rất cao. Trong quý 3; 93% tàu câu thuộc nhóm công suất 45-90CV và 100% tàu câu thuộc nhóm công suất 90-140 CV tập trung hoạt động ở Vùng đánh cá chung. ở qúy 4, thông tin về đội tàu 90-140 CV không thu thập được. ở thời điểm này hầu hết các tàu câu 45-90CV hoạt động trong Vùng đánh cá chung ở vịnh Bắc Bộ.
Thời gian hoạt động khai thác trung bình của các đội tàu câu ở quý 3 khoảng 15 – 18 ngày. ở quý 4, thời gian khai thác trung bình ngắn hơn, khoảng 10 ngày. Thời gian hoạt động khai thác ở quý 4 giảm một phần do thời tiết không thuận, thêm vào đó đây là thời điểm giá dầu tăng rất cao làm tăng chi phí sản xuất trong khi đó giá bán sản phẩm không tăng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của các đội tàu.
+ Thành phần sản lượng
Đối tượng khai thác của các đội tàu câu có sự thay đổi theo thời gian rất rõ rệt. Sản lượng khai thác ở quý 3 chủ yếu là cá Hố, Mực và cá Ngừ chù. Trong khi đó ở quý 4 sản lượng khai thác chủ yếu là cá Mú và cá Thu, ngoài ra còn một số loài cá khác được xếp vào nhóm cá xô. Sự khác biệt về thành phần sản lượng có thể được giải thích do sự thay đổi ngư trường khai thác của các đội tàu theo mùa gió. Kết quả từ các chuyến điều tra tình hình khai thác cho thấy, ở quý 3 hầu hết các tàu làm nghề câu tập trung khai thác chủ yếu ở khu vực giữa vịnh và gần khu vực đảo Bạch Long Vỹ. Trong khi đó ở quý 4, các tàu khai thác dịch chuyển ngư trường xuống phía Nam, tập trung khai thác chủ yếu ở khu vực cửa vịnh.
+ Năng suất khai thác
Năng suất khai thác trung bình của các đội tàu câu khá cao. ở quý 3, năng suất khai thác trung bình của đội tàu 45-90CV đạt 76 kg/ngày và 65 kg/ngày đối với đội tàu 90-140 CV. Đội tàu 45-90 CV có năng suất khai thác/ngày cao hơn do số lượng ngư dân tham gia khai thác nhiều hơn. Trong quý 4, năng suất khai thác thấp hơn, năng suất khai thác trung bình của đội tàu 45-90 CV khoảng 37 kg/ngày. Sự giảm đi ở năng suất khai thác trung bình có thể do các đội tàu thay đổi ngư trường và đối tượng khai thác. Trong quý 3, đối tượng khai thác chủ yếu là cá Hố và Mực, ở quý 4 sản lượng khai thác chủ yếu là cá Mú, cá Thu và cá xô.
3.1.2. Nghề chụp
Nghề chụp ở vịnh Bắc Bộ có 792 chiếc được cấp phép hoạt động khai thác ở Vùng đánh cá chung, chủ yếu thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình. ở năm 2008 các đội tàu chụp hoạt động kiêm nghề. Ngoài nghề chính là chụp thì ngư dân còn sử dụng câu tay. Thời gian khai thác không phân biệt ngày đêm, ban ngày ngư dân câu cá, chủ yếu là cá Hố và ban đêm thì câu mực. Khi mật độ cá hoặc mực ở khu vực tàu khai thác tập trung cao thì nghề chụp được sử dụng để khai thác.
Số ngư dân hoạt động trên tàu khai thác khoảng 7-10 người tùy thuộc đội tàu. Tỉ lệ tàu khai thác ở Vùng đánh cá chung trong quý 3 cao hơn so với quý 4. Trong quý 3, 78,6% số lượng tàu thuộc nhóm công suất 45-90CV và 93,8% số lượng tàu thuộc nhóm 90-140CV được hỏi hoạt động khai thác ở Vùng đánh cá chung. Hầu hết các tàu khai thác thuộc nhóm công suất >140CV khai thác trong Vùng đánh cá chung. Trong quý 4, tỉ lệ tàu hoạt động khai thác trong Vùng đánh cá chung dao động trong khoảng 67-75%.
Thời gian hoạt động trung bình trong tháng ở quý 3 dao động trong khoảng 15-19 ngày và 11-14 ngày ở các tháng thuộc quý 4. Sự giảm thời gian hoạt động trung bình trong tháng ở các tháng thuộc quý 4 do thời tiết không thuận ở đầu quý 4 và giá dầu tăng cao trong khi đó giá sản phẩm khai thác không tăng.
+ Thành phần sản lượng
Thành phần sản lượng khai thác của các đội tàu chụp không khác nhau nhiều giữa các đội tàu. Nhóm Mực chiếm tỉ lệ khác cao trong sản lượng khai thác của đội tàu 45-90 CV và 90-140 CV, chiếm tỉ lệ thấp trong sản lượng khai thác của đội tàu >140CV. Cá xô gồm những loài cá thuộc giống cá Nục, cá Bạc má, cá Khế chiếm ưu thế trong sản lượng khai thác ở quý 3. Cá phân gồm chủ yếu là cá nục và cá sòng có kích thước nhỏ chiếm ưu thế trong sản lượng của đội tàu >140 CV ở cả quý 3 và quý 4. Cá Thu đánh bắt được ở các đội tàu nhỏ (45-90 CV và 90-140 CV) chiếm tỉ lệ khá cao, trong khi đó đội tàu >140 CV nhóm cá này chiếm tỉ lệ rất thấp.
+ Năng suất khai thác
Năng suất khai thác trung bình của các đội tàu chụp ở quý 3 cao hơn so với ở quý 4, ước tính khoảng 400 kg/ngày ở quý 3 và khoảng 300 kg/ngày ở quý 4.
3.1.3. Nghề lưới kéo
Nghề lưới kéo bao gồm lưới kéo đơn và lưới kéo đôi, là những nghề khai thác hải sản truyền thống của các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ, tuy nhiên chỉ có 53 tàu hoạt động nghề lưới kéo được cấp phép hoạt động ở Vùng đánh cá chung, trong đó có 35 cặp tàu lưới kéo đôi và 18 tàu lưới kéo đơn.
- Nghề lưới kéo đôi
Quý 3/2008, trong số các tàu lưới kéo đôi được phỏng vấn thì 75,7% tổng số tàu hoạt động trong Vùng đánh cá chung. Thời gian hoạt động trung bình trong tháng trong quý 3 ước tính khoảng 12-17 ngày trong đó khoảng 9-10 ngày hoạt động ở Vùng đánh cá chung. Mỗi cặp tàu lưới kéo đôi có khoảng 13-15 ngư dân tham gia khai thác. Mỗi ngày các tàu lưới kéo đôi thực hiện trung bình 3 mẻ lưới. ở quý 4, tỉ lệ tàu lưới kéo đôi hoạt động ở Vùng đánh cá chung giảm xuống rất thấp, chỉ khoảng 14,8%.
- Nghề lưới kéo đơn
ở quý 3, các đội tàu lưới kéo đơn hoạt động khai thác trung bình khoảng 7-10 ngày. Tỉ lệ tàu thuộc nhóm công suất 45-90 CV hoạt động ở Vùng đánh cá chung khá thấp. Trong số các tàu lưới kéo đơn được phỏng vấn thì chỉ có 38,4% tổng số tàu hoạt động ở Vùng đánh cá chung. Các đội tàu 90-140 CV và >140 CV hoạt động chủ yếu trong Vùng đánh cá chung.
Trong quý 4, toàn bộ các tàu được phỏng vấn bao gồm cả tàu có giấy phép khai thác ở Vùng đánh cá chung và tàu chưa có giấy phép đều không khai thác ở Vùng đánh cá chung. ở thời điểm này giá dầu tăng rất cao ngược lại giá sản phẩm khai thác không tăng. Theo phản ánh của các chủ tàu khai thác hải sản bằng nghề lưới kéo thì thu nhập từ khai thác hải sản trong các tháng thuộc quý 4 không đủ chi phí sản xuất, đó chính là nguyên nhân các đội tàu khai thác hải sản bằng lưới kéo nằm bờ nhiều.
Thời gian hoạt động khai thác trung bình trong tháng của đội tàu lưới kéo đôi >140 CV ở quý 3 ngắn hơn so với quý 4. Tuy nhiên, thời gian khai thác ở Vùng đánh cá chung của đội tàu trong quý 4 ngắn hơn so với ở quý 3, chứng tỏ ngư trường khai thác cùa đội tàu có sự thay đổi. Theo các chủ tàu khai thác hải sản thì trong quý 4 do chi phí nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng cao, các tàu khai thác ít chạy hành trình hơn mà tiến hành kéo lưới khai thác ngay khi tàu khai thác ra biển. Mỗi mẻ lưới thường kéo dài 5-6 tiếng đồng hồ, thậm chí dài hơn. Các mẻ lưới được thực hiện liên tục trên đường ra các ngư trường khai thác truyền thống, như vậy vừa giảm được chi phí chuyến biển mà sản lượng khai thác vẫn tăng. Thời gian hoạt động trung bình trong tháng của các đội tàu lưới kéo đơn khá ngắn, trung bình khoảng 8-10 ngày/tháng. Phần lớn thời gian khai thác của các đội tàu lưới kéo đơn tập trung ở Vùng đánh cá chung.
+ Thành phần sản lượng
Các nhóm thương phẩm chính của đội tàu lưới kéo đôi là nhóm cá phân, nhóm cá xô, nhóm cá chọn và nhóm mực. Theo từng thời điểm khai thác mà thành phần sản lượng của đội tàu có sự thay đổi nhất định. ở quý 3, nhóm thương phẩm chủ đạo là cá phân, chủ yếu là cá con thuộc họ cá Khế. Ngoài ra nhóm thương phẩm cá xô và cá chọn cũng chiếm tỉ lệ tương đối cao trong sản lượng khai thác của đội tàu. Trong quý 4, chất lượng sản phẩm khai thác tốt hơn, thể hiện ở tỉ lệ nhóm thương phẩm cá phân giảm đi trong sản lượng khai thác và tỉ lệ sản lượng của nhóm cá chọn tăng lên. Nhóm Mực tăng từ 1,3% tổng sản lượng ở quý 3 lên 9,4% tổng sản lượng ở quý 4. Ngoài ra nhóm cá Thu cũng tăng lên trong sản lượng khai thác, chiếm 1,8% tổng sản lượng khai thác của đội tàu.
Đối với các đội tàu lưới kéo đơn, cá xô chiếm khoảng 33-69%, nhóm cá phân chiếm từ 25-66% tổng sản lượng. Sản lượng khai thác ở nhóm mực chiếm tỉ lệ cao ở đội tàu 50-90CV nhưng chiếm tỉ lệ khác thấp trong sản lượng khai thác của các đội tàu lớn hơn.
+ Năng suất khai thác
Đội tàu lưới kéo đôi >140 CV năng suất khai thác khá cao ở quý 3, đạt trên 4 tấn/ngày. Tuy nhiên sang quý 4 năng suất giảm mạnh, trung bình chỉ đạt 1,5 tấn/ngày. Năng suất khai thác trung bình của đội tàu lưới kéo đơn 50-90 CV đạt 460 kg/ngày, khoảng 280 kg/mẻ lưới. Năng suất khai thác của đội tàu 90-140 CV cao hơn, trung bình khoảng 540 kg/ngày khoảng 330 kg/mẻ. Năng suất khai thác cao nhất ghi nhận được ở đội tàu >140 CV, khoảng trên 1000 kg/ngày.
3.1.4. Nghề lưới vây
Tổng số 261 chiếc tàu lưới vây được cấp phép khai thác ở Vùng đánh cá chung, chủ yếu thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định. Trung bình có khoảng 11-14 ngư dân tham gia hoạt động khai thác trên các tàu lưới vây. ở quý 3, tỉ lệ tàu lưới vây hoạt động khai thác ở Vùng đánh cá chung rất cao, hầu hết các thuyền trưởng được phỏng vấn cho biết họ có tham gia khai thác ở Vùng đánh cá chung. Trong quý 4, tỉ lệ tàu khai thác ở Vùng đánh cá chung thấp hơn. Kết quả phân tích thông tin từ các cuộc phỏng vấn cho thấy chỉ khoảng 26-27% số lượng tàu thuộc nhóm công suất 45-90 CV và 90-140 CV hoạt động ở Vùng đánh cá chung. Tỉ lệ tàu khai thác ở Vùng đánh cá chung của đội tàu >140 CV cao hơn. Kết quả điều tra phỏng vấn hoạt động khai thác cho thấy khoảng 85% thuyền trưởng được phỏng vấn cho biết họ khai thác ở Vùng đánh cá chung, tuy nhiên phần lớn tập trung ở phía Tây đường phân định.
ở quý 3, thời gian hoạt động trung bình trong thác của các đội tàu 45-90 CV, 90-140 CV và >140 CV tương ứng là 9,3; 11,6 và 18,5 ngày. Trong Quý 4, thời gian hoạt động trung bình trong tháng dài hơn, trung bình 13,8 ngày ở đội tàu 45-90CV; 20 ngày ở đội tàu 90-140 CV và 18,2 ngày ở đội tàu >140 CV.
+ Thành phần sản lượng
Thành phần sản lượng của các đội tàu lưới vây tập trung chủ yếu ở 2 nhóm chính là nhóm cá Nục và nhóm cá Ngừ ở các tháng thuộc quý 3 và nhóm cá Nục và nhóm cá Bạc má ở quý 4. Nhóm cá Nục chiếm khoảng 40-84% tổng sản lượng khai thác của các đội tàu ở quý 3 và chiếm trên 90% tổng sản lượng khai thác của các đội tàu trong quý 4.Cá Nục heo cũng là đối tượng chiếm tỉ lệ cao trong sản lượng khai thác ở quý 3. Sự xuất hiện của nhóm cá Nục heo trong sản lượng khai thác là do việc dịch chuyển ngư trường khai thác của các đội tàu lưới Vây xuống phía Nam Vùng đánh cá chung, tập trung chủ yếu ở khu vực cửa vịnh.
+ Năng suất khai thác
Năng suất khai thác của các đội tàu lưới vây khá cao ở cả quý 3 và quý 4. Năng suất khai thác trung bình khoảng 1-1,9 tấn/ngày đối với đội tàu 45-90 CV; 0,4-1,3 tấn/ngày đối với đội tàu 90-140 CV và 0,8-1,5 tấn đối với đội tàu >140 CV. Kết quả điều tra cũng cho thấy năng suất khai thác của nghề lưới vây ở quý 4 cao hơn so với ở quý 3.
3.1.5. Nghề lưới rê
Nghề lưới rê khai thác ở vịnh Bắc Bộ gồm lưới rê tầng mặt (rê nổi) và lưới rê tầng đáy (rê đáy), trong đó rê đáy được cấp phép khai thác ở Vùng đánh cá chung 109 chiếc và rê nổi được cấp phép 235 chiếc, chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa và Đà Nẵng.
Trung bình có khoảng 7 đến 11 người tham gia khai thác trên các tàu lưới rê đáy. Trong quý 3, hiệu suất hoạt động khai thác ở Vùng đánh cá chung rất cao, toàn bộ các tàu được phỏng vấn cho biết họ khai thác chủ yếu ở Vùng đánh cá chung. Trong quý 4, tỉ lệ tàu khai thác trong Vùng đánh cá chung giảm. Kết quả phỏng vấn cho thấy tỉ lệ tàu cá thuộc các nhóm công suất 45-90 CV; 90-140 CV và 140-250 CV khai thác ở Vùng đánh cá chung tương ứng là 90%; 86,7% và 42,9%.
Đối với các tàu khai thác bằng nghề lưới rê nổi, trên mỗi tàu có khoảng 10 người tham gia hoạt động khai thác. Hiệu suất hoạt động khai thác ở Vùng đánh cá chung rất cao trong quý 3, toàn bộ các tàu được phỏng vấn cho biết họ khai thác chủ yếu ở Vùng đánh cá chung. Trong các tháng thuộc quý 4, tỉ lệ tàu khai thác trong Vùng đánh cá chung giảm. Kết quả phỏng vấn cho thấy tỉ lệ tàu cá thuộc các nhóm công suất 45-90 CV; 90-140 CV và 140-250 CV khai thác ở Vùng đánh cá chung tương ứng là 94,4%; 42,9% và 56,3%.
Số ngày hoạt động trung bình trong tháng của các đội tàu lưới rê phụ thuộc vào từng đội tàu. Nhìn chung, các đội tàu nhỏ có số ngày hoạt động trung bình trong tháng nhiều hơn so với các đội tàu lơn hơn.
+ Thành phần sản lượng
- Lưới rê đáy
Trong quý 3, sản lượng khai thác của các đội tầu chủ yếu là nhóm cá Dưa đối với đội tàu >140 CV và cá Đầu vuông đối với đội tàu 90-140CV. Nhóm cá xô chiếm tỉ lệ thấp hơn trong sản lượng khai thác, chiếm 3,6% tổng sản lượng của đội tầu >140CV và 17,9% trong sản lượng khai thác của đội tàu 90-140 CV.
ở quý 4, nhóm cá xô chiếm tỉ lệ rất cao trong sản lượng khai thác, dao dộng trong khoảng 63-86% tổng sản lượng của các đội tàu. Ngoài ra, các nhóm mực nang, cá đầu vuông và cá Hố cũng là những đối tượng chiếm ưu thế trong sản lượng khai thác.- Lưới rê nổi
Trong quý 3, nhóm cá Nục heo và nhóm cá Ngừ chiếm tỉ lệ rất cao trong sản lượng khai thác của đội tàu 45-90 CV. Ngược lại, thành phần sản lượng chính của đội tàu >140 CV là nhóm cá Thu.
Trong quý 4, sản lượng khai thác chính của các đội tàu rê nổi là nhóm cá Ngừ và nhóm cá Thu. Nhóm cá Thu chiếm 48% tổng sản lượng khai thác của đội tàu 45-90 CV, chiếm 51,5% tổng sản lượng khai thác của đội tàu 90-140 CV và chiếm 34,2% sản lượng khai thác của đội tàu >140CV. Sản lượng khai thác của nhóm cá ngừ chiếm tỉ lệ lần lượt là 36,6%; 44,6% và 43,7% trong sản lượng khai thác của các đội tàu 45-90 CV, 90-140CV và >140CV.
+ Năng suất khai thác
Trong quý 4, năng suất khai thác trung bình của các đội tàu lưới rê đáy tương đối cao, dao động trong khoảng 180-200 kg/ngày, trung bình chung đạt khoảng 190 kg/ngày. ở quý 3, năng suất khai thác thấp hơn. Năng suất khai thác trung bình của đội tàu 90-140 CV và >140CV tương ứng là 90 kg/ngày và 118 kg/ngày.
Năng suất khai thác trung bình của các đội tàu lưới rê nổi dao động trong khoảng 130 kg/ngày ở quý 3 và khoảng 260 ngày ở quý 4. Năng suất khai thác trung bình của đội tàu 45-90 CV đạt 138 kg/ngày trong quý 3 và 192 kg/ngày ở quý 4. Năng suất khai thác của đội tàu >140CV đạt 127 kg/ngày ở quý 3 thấp hơn rất nhiều sao với năng suất khai thác trung bình ở quý 4, khoảng 390 kg/ngày.
3.2. Ước tính tổng sản lượng khai thác
Tổng sản lượng khai thác hải sản ở Vùng đánh cá chung trong quý 3 và quý 4 ước tính khoảng 46 ngàn tấn (bảng 2). Trong đó tổng sản lượng khai thác trong quý 3 khoảng 29 ngàn tấn và trong quý 4 khoảng 17 ngàn tấn. Nghề lưới vây và nghề chụp mực đóng góp sản lượng chủ yếu vào tổng sản lượng khai thác ở Vùng đánh cá chung với các tỉ lệ tương ứng là 49,7% và 28,5%.
Sản lượng khai thác thác ở quý 4 giảm 41,4% so với ở quý 3 có thể do ảnh hưởng của giá dầu tăng, tỉ lệ tàu nằm bờ nhiều đồng thời các đội tàu sản xuất có xu hướng chuyển ngư trường khai thác từ vùng biển khơi vào gần bờ để giảm chi phí hoạt động, từ đó áp lực khai thác ở Vùng đánh cá chung giảm dẫn đến sản lượng khai thác từ Vùng đánh cá chung giảm đi.
Bảng 2. Tổng sản lượng hải sản khai thác của các đội tàu ở Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ trong quý 3 , 4 năm 2008
Quý | Nhóm công suất (CV) | Câu | Chụp | Kéo đôi | Kéo đơn | Rê đáy | Rê nổi | Vây | Tổng |
Quý 3 | 50-90 | 224 | 5.973 | - | 11 | 431 | 274 | 1.760 | 8.672 |
90-140 | 21 | 2.690 | - | 39 | 88 | 432 | 1.493 | 4.763 | |
>140 | 40 | 2.111 | 4.240 | 1.267 | 72 | 127 | 7.752 | 15.609 | |
Tổng | 285 | 10.774 | 4.240 | 1.317 | 591 | 833 | 11.005 | 29.045 | |
Quý 4 | 50-90 | 126 | 836 | - | - | 388 | 779 | 1.575 | 3.704 |
90-140 | 13 | 1.086 | - | - | 138 | 185 | 1.544 | 2.966 | |
>140 | 22 | 448 | 391 | - | 109 | 593 | 8.795 | 10.358 | |
Tổng | 161 | 2.370 | 391 | - | 635 | 1.557 | 11.914 | 17.028 | |
Quý 3 + Quý 4 | 446 | 13.144 | 4.631 | 1.317 | 1.227 | 2.390 | 22.919 | 46.073 | |
Tỉ lệ (%) | 1,0 | 28,5 | 10,1 | 2,9 | 2,7 | 5,2 | 49,7 | 100,0 |
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Việt Hà & Nguyễn Viết Nghĩa, 2008. Tình hình khai thác hải sản ở vịnh Bắc Bộ giai đoạn 2000-2005. Tuyển tập Nghiên cứu Nghề cá biển, tập 5, trang 268-287. NXB Nông nghiệp Hà Nội.
2. P. Sparre & S. C. Venema, 1992. Introduction to tropical fish stock assessment, part I – manual., in FAO fisheries technical paper 306/1 Rev 1.: Rome.
3. S. Constantine, 2002. Sample-Based Fishery Surveys - A Technical Handbook. Food and Agriculture Organization of the United Nations, Rome. ISBN 92-5-104699-9.
Vũ Việt Hà, Đào Mạnh Sơn (Viện nghiên cứu Hải sản)