Tiếp cận các thị trường xuất khẩu là nhân tố chính trong việc xác định xem các nước đang phát triển có thể duy trì và nâng cao vai trò của mình trong thương mại nghề cá, và thực tế Dự án Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đã nhận biết được tầm quan trọng của việc tiếp cận thị trường nhằm phát triển bền vững. Việc giảm thiểu các hàng rào thương mại như thuế và hạn chế định lượng thông qua Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan (GATT), và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển thương mại nghề cá trong thập kỷ gần đây. Mặc dù có sự giảm thuế đáng kể của các nước phát triển và đang phát triển, nhưng việc sử dụng có lựa chọn các loại thuế, bao gồm biểu thuế, thuế quan leo thang, thuế đối kháng, và các hàng rào phi thuế quan liên quan đến tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và môi trường vẫn tiếp tục hạn chế việc xuất khẩu cá sang các thị trường quốc tế. Các cuộc thương lượng ở vòng đàm phá Doha diễn ra vào tháng 11 năm 2001 về việc tiếp cận thị trường phi nông nghiệp (NAMA) yêu cầu giảm bớt thuế quan và một số rào cản phi thuế quan. Tuy nhiên, các trở ngại lớn đối với tự do hoá thương mại nghề cá đã nảy sinh, như sự bất đồng về phương pháp và thể thức tiếp cận sự tự do hoá; những điều chỉnh giá cả không dự báo được do thay đổi về mức thu nhập ở các nước đang phát triển; và các mối lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của việc xoá bỏ các loại thuế đối với thuỷ sản và các sản phẩm thuỷ sản đến việc sử dụng bền vững nguồn lợi cá.

     Mục tiêu chính của báo cáo này là đưa ra thảo luận và phân tích các vấn đề then chốt về việc tiếp cận thị trường và tự do hoá thương mại trong ngành thuỷ sản, bao gồm cả những đề xuất về việc làm thế nào để ngành thuỷ sản được thảo luận trong các cuộc đàm phán NAMA hiện nay. Đặc biệt là báo cáo còn phân tích các ý thuận và chống của việc tự do hoá thương mại nghề cá, và thăm dò ý kiến cho việc tự do hoá ngành thuỷ sản được nhanh chóng thực hiện. Báo cáo còn tập trung vào các mối ràng buộc mà các nước đang phát triển phải đối mặt từ cả cung và cầu. Những mối quan tâm từ bên cầu bao gồm các mối ràng buộc thị trường liên quan đến thương mại như thuế quan và các hàng rào phi thuế quan, trong khi đó các ràng buộc bên cung lại chứa đựng những khó khăn nội địa ở các nước đang phát triển.

     Điểm nhấn mạnh đầu tiên của các cuộc đàm phán tại WTO về thương mại nghề cá có thể sẽ: (1) cân đối các chính sách thương mại, bao gồm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; (2) đảm bảo thương mại góp phần ổn định môi trường và xã hội; và (3) tạo một sân chơi bình đẳng trong các đàm phán thương mại và tiếp cận thị trường, bao gồm việc tăng cường năng lực về kỹ thuật, cơ quan và pháp lý ở các nước đang phát triển. Để đạt được sự tự do hoá thương mại nghề cá hiệu quả, cần phải có một chiến lược ba mục tiêu đòi hỏi cùng phát triển trong các đàm phán WTO, cải cách chính sách quốc gia, sự vươn lên và sự hỗ trợ của của các tổ chức đa phương và tổ chức phi chính phủ (NGO). Điều này sẽ cần phải có các cuộc đàm phán tại WTO về thuế quan, tiêu chuẩn và tính bền vững, hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng năng lực nhằm đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu của hàng rào phi thuế quan và nguồn cung cấp cá đều đặn, và sự giám sát của các chính sách nội địa ảnh hưởng đến việc quản lý nghề cá, thương mại và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo sự bền vững nghề cá, cần có những nỗ lực phối hợp của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và các tổ chức khác của Liên hợp quốc liên quan đến nghề cá nhằm cải tiến và giám sát việc thực hiện các quy định mang tính toàn cầu của nghề cá.

Nguồn: Globefish
N.T.Tỉnh dịch