Ao nuôi cá của anh Vũ Văn Hà, ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành do không có mối lớn tiêu thụ cá, phải thu hoạch lai rai mỗi ngày 30kg.

Sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự liên kết và thiếu thông tin về thị trường; sản phẩm không đủ số lượng, quy cách và không đáp ứng kế hoạch thời gian theo yêu cầu thị trường... Đó là những nguyên nhân khiến người nuôi trồng thuỷ sản gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

ĐƯỢC MÙA KHÔNG BẰNG TRÚNG CHỢ

Tại một cuộc hội thảo đầu bờ về mô hình nuôi cá rô phi đơn tính do Trung tâm Khuyến ngư tổ chức tại hộ ông Trần Hồng Đương ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, ông Trần Xuân Phùng, Giám đốc Công ty Chế biến thuỷ sản xuất khẩu Đông Đông Hải cho biết: Với công suất 40 tấn thành phẩm/ ngày, công ty này có thể bảo đảm đầu ra cho người nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc cung ứng nguyên liệu phải ổn định về chất lượng, bảo đảm thời gian để công ty chủ động chào hàng, ký hợp đồng xuất khẩu với khách hàng. Nhận được thông tin này, bà con nông, ngư dân tham gia buổi tập huấn rất phấn khởi, họ như vừa trút khỏi “gánh nặng đầu ra” bấy lâu. Nhưng cho đến nay, “gánh nặng” ấy vẫn còn đeo đẳng… và họ vẫn phải chạy lo đầu ra mỗi khi thu hoạch.

Ông Vũ Văn Hà, ngư dân ấp Phước Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành cho biết, trong năm 2006 ông thả nuôi 100 kg giống cá rô đồng trên diện tích 1.000m2 ao. Đến khi thu hoạch, với giá bán sỉ trên thị trường 25.000/kg, nếu tiêu thụ hết toàn bộ số cá trong ao cùng một lúc, ông có thể thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi ngày ông chỉ có thể bán tối đa 30 kg, quá trình khai thác lẻ làm cho cá bị stress, bỏ ăn dẫn đến tỉ lệ hao hụt cao. Trong thời gian đó, ông vẫn phải bỏ ra các khoản chi phí chăm sóc để chờ tiêu thụ, do đó đợt nuôi này ông bị lỗ vốn.

Trường hợp ao nuôi cá rô phi đơn tính của ông Bùi Văn Xồi ở xã Kim Long, huyện Châu Đức cũng vậy. Làm theo hướng dẫn của các kỹ sư ở Trung tâm Khuyến ngư, ao cá của ông Xồi phát triển đồng đều, “nhưng tìm nơi tiêu thụ cá khó quá, bán lai rai đêán tháng thứ 5, thứ 6 mà vẫn chưa hết” - ông Xồi than phiền. Còn ông Nguyễn Oai Hùng, nuôi cá rô phi đơn tính tại xã Long Phước, thị xã Bà Rịa phải chấp nhận thu hoạch sớm vì không chủ động đầu ra. Đợt nuôi này, ông chỉ thu được 5 triệu đồng lợi nhuận thay vì gấp đôi nếu chờ đủ thời gian cho cá phát triển.

CẦN CÁI “BẮT TAY” HỢP TÁC

Bàn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi thủy sản nhỏ lẻ, ông Tăng Vĩnh Ký, Phó Giám đốc Sở Thuỷ sản Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng, các cơ quan chức năng, trong đó chủ yếu là ngành thuỷ sản, cần phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về sự cần thiết và vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã để bà con chủ động tham gia, liên kết, từ đó có kế hoạch sản xuất thống nhất. Có như vậy sản phẩm mới tiêu thụ được dễ dàng.

Khi tổ chức lớp tập huấn hay hội thảo đầu bờ, Trung tâm Khuyến ngư thường liên hệ, tìm hiểu trước 2, 3 địa chỉ thu mua sản phẩm để thông tin cho bà con, nhưng người nuôi cũng rất khó tiếp cận với các doanh nghiệp thu mua. Trên thực tế, các nhà tiêu thụ nội địa thu mua với số lượng ít, còn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lại yêu cầu số lượng quá cao và phải bảo đảm về thời gian, kế hoạch cung ứng… Trong khi đó, hiện nay, phần lớn bà con nông, ngư dân đều sản xuất manh mún, phân tán, không đồng bộ về thời gian, chủng loại và chất lượng.

Khó khăn về đầu ra cho sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng của nông, ngư dân không hoàn toàn do nhu cầu thị trường. Trong điều kiện diện tích ao nuôi nhỏ, bố trí chưa tập trung, người nuôi cần phải có sự liên kết để bảo đảm đáp ứng đủ sản lượng theo yêu cầu của khách hàng. Thời gian qua, câu lạc bộ Khuyến ngư Tân Phước, huyện Tân Thành đã thành công với dự án liên kết nuôi cá rô phi đơn tính xuất khẩu sang châu Âu. Điều này chứng tỏ đầu ra không khó, điều quan trọng là giữa người sản xuất và nhà tiêu thụ có tìm được “tiếng nói” chung và “cái bắt tay” hợp tác hay không.

Thu Phong