Ngành cá tra, ba sa Việt Nam sẽ đạt 1 triệu tấn trong năm 2007:
Người nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long đang phấn đấu tăng sản lượng cá nuôi do nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu thiếu nghiêm trọng. Giá cá Tra, Ba sa tăng cao từ năm 2006 với mức tăng 40-50% so với cùng kỳ năm trước đó. Các nhà chế biến thuỷ sản đang thu gom và mua cá nguyên liệu để dự trữ cho chế biến, ngay cả cá còn nhỏ để tránh tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Do giá cá tăng cao nên diện tích đất dùng để nuôi cá ở ĐBSCL đã tăng nhanh chóng. Năm 2007, dự đoán sản lượng cá Tra, Ba sa sẽ đạt 1 triệu tấn, tăng 25% so với năm 2006. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc tăng trưởng quá nhanh và không theo quy hoạch này có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, cần khuyến khích các nhà chức trách địa phương nhanh chóng xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch và an toàn để nuôi cá thành công, bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu cũng như việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Việt Nam hiện đang kì vọng vào việc kim ngạch xuất khẩu cá tra và basa năm 2007 có thể đạt 1 tỉ USD, so với hơn 700 triệu USD năm 2006. Hiện nay, xuất khẩu cá Tra, Ba sa của Việt Nam với tên thương mại là Pangasius đang tăng mạnh. Trong 2 năm 2005 - 2006, xuất khẩu cá Tra và Basa phi lê đã tăng gấp đôi, đạt 286.600 tấn. Giá trị xuất khẩu thậm chí còn tăng hơn gấp đôi, đạt 700 triệu USD.
Nga và Ba Lan là hai thị trường xuất khẩu chính của cá Tra, Ba sa Việt Nam với khối lượng và giá trị tăng mạnh trong năm 2006. Trong khi, các thị trường truyền thống quan trọng như Ôtxtrâylia và Hồng Kông chỉ tăng ít.
Đáng chú ý là xuất khẩu vào thị trường Mỹ tiếp tục tăng. Tổng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này tăng 65% về khối lượng và 100% về giá trị. Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường quan trọng đối với cá Tra, Ba sa của Việt Nam. Năm 2006, xuất khẩu vào khu vực này đạt 123.000 tấn, tăng hơn gấp đôi so với năm 2005. Các thị trường EU quan tâm nhiều tới cá Tra và Basa của Việt Nam hiện là Ba Lan, Tây Ban Nha và Hà Lan. Trong đó, Ba Lan là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong EU.
Ngành nuôi cá catfish của Trung Quốc
Trong những tháng qua, catfish của Trung Quốc được nhắc đến rất nhiều trên báo chí Mỹ. Bang Mississippi và Alabama của Mỹ đã cấm nhập khẩu catfish từ Trung Quốc sau khi các thử nghiệm cho thấy cá có chứa ciprofloxacin và enrofloxacin và các chất kháng sinh bị cấm sử dụng ở Mỹ. Bang Louisiana cũng bắt đầu tiến hành thử nghiệm chất kháng sinh trong thuỷ sản của Trung Quốc.
Có thể tìm thấy nguyên nhân của động thái trên thông qua những số liệu thống kê nhập khẩu của Mỹ: trong 2 năm 2005-2006, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc tăng hơn 5 lần. Trong ba tháng đầu năm 2007, đã có 5.700 tấn catfish Trung Quốc được nhập khẩu vào Mỹ, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2006 và bằng khoảng 80% tổng nhập khẩu catfish từ Trung Quốc năm 2006. Do đó, những tháng đầu năm 2007 Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp chính catfish vào thị trường Mỹ, vượt qua cả Việt Nam. Sự bùng nổ này dường như chưa kết thúc.
Ngược lại, người Trung Quốc đã đòi hỏi các nhà sản xuất cá catfish Mỹ lý giải hành động của họ khi so sánh với Việt Nam. Trong khi cá Tra, Ba sa (Pangasius spp.) của Việt Nam và catfish của Mỹ là hai loài khác nhau, thì catfish của Trung Quốc và catfish của Mỹ là cùng một loài, có cùng tên khoa học (Ictalurus punctatus). Như vậy, các nhà sản xuất cá nheo Mỹ không thể cấm nhập khẩu catfish của Trung Quốc vì cho rằng nước này sử dụng sai tên loài cá này.
Sản phẩm chính nhập khẩu vào Mỹ là phi lê đông lạnh nhưng trong những tháng gần đây sản phẩm phi lê tươi cũng đang tăng mạnh. Năm 2001, nhập khẩu phi lê đông lạnh đạt 8.200 tấn, nhưng các biện pháp của Mỹ chống lại cá Tra, Ba sa của Việt Nam trong năm 2002 đã khiến cho tổng nhập khẩu trong năm này giảm một nửa. Nếu năm 2005, Mỹ nhập khẩu 12.300 tấn phi lê cá đông lạnh thì chỉ sau một năm, năm 2006, khối lượng nhập khẩu cá phi lê đông lạnh đã tăng lên 32.100 tấn. Nếu chính phủ Mỹ không áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại thì tổng nhập khẩu phi lê đông lạnh trong năm 2007 sẽ vượt 60.000 tấn.
Giá catfish của Trung Quốc tương đương với giá cá Tra, Ba sa của Việt Nam. Phi lê catfish đông lạnh được bán với giá 2,30 USD/pao tại thị trường Mỹ trong khi giá phi lê cá rô phi đông lạnh có giá bán thấp hơn 0,30 USD/pao. Tuy nhiên, giá catfish có thể sẽ giảm trong những tháng tới do nguồn cung dồi dào hơn và do những thông tin mà báo chí đưa về sản phẩm.
Về tổng khối lượng nhập khẩu, cá rô phi nhập khẩu vẫn nhiều hơn catfish nhưng nếu sự tăng trưởng của catfish vẫn tiếp tục như những tháng qua thì cá rô phi có thể bị catfish Trung Quốc vượt qua trong vòng 2 hoặc 3 năm tới.
Theo Vietrade