Trong lúc xuất khẩu thủy sản vào các thị trường truyền thống của Việt Nam như Mỹ, Nhật hay EU đang giảm sút do khủng hoảng tài chính toàn cầu thì các doanh nghiệp Việt Nam tìm đường đi vào các thị trường “ngách” như Bắc Phi, Trung Đông. Thế nhưng việc đi vào các thị trường mới nhiều tiềm năng lại vướng phải khó khăn không phải do thị trường, mà do sự cạnh tranh không lành mạnh mà dân trong nghề gọi là “phe ta hại phe mình”.

Thị trường “ngách”

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Ai Cập là một trong những cửa ngõ cho hàng thủy sản nhập khẩu vào khu vực các nước Arab và Bắc Phi. Đây là khối thị trường mới có sức tăng trưởng nhập khẩu “ba con số” đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam trong ba năm trở lại đây, dù sản lượng và kim ngạch còn khiêm tốn.

So với cùng kỳ năm 2007, xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm 2008 sang các thị trường trong khối này đều tăng, trong đó Maroc tăng tới 346%, Iraq 280%, Arab Saudi đến 9.175%, Kuwet 136%, cũng đủ để nói lên tiềm năng của khu vực này.

Ngoài cá tra, các mặt hàng thủy sản khác như tôm, cá biển, đồ hộp cũng được nhiều nhà nhập khẩu trong khu vực tìm hiểu để bổ sung nguồn cung truyền thống lâu nay họ phải đặt hàng từ Trung Quốc. Do vậy nên hồi cuối tháng 11-2008, Phó chủ tịch Vasep Nguyễn Hữu Dũng đã dẫn đầu đoàn doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đi khảo sát thị trường Maroc và Ai Cập.

Đây là hai thị trường tiềm năng tại châu Phi, có nhu cầu thủy sản ngày càng cao và đang bắt đầu quan tâm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, đặc biệt các sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh, tôm, đồ hộp và cá biển. Ông Dũng cho biết nhu cầu các mặt hàng thủy sản của Ai Cập hiện nay rất lớn và sản phẩm từ Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của người tiêu dùng tại thị trường này.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 11 tháng đầu năm 2008 xuất khẩu thủy sản sang Ai Cập đạt giá trị trên 57 triệu đô la Mỹ với khối lượng 25.000 tấn, tăng tương ứng 281% và 323% so cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng mà theo nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam là “như mơ”.

“Phe ta hại phe mình”

Với sản lượng hơn 1 triệu tấn cá tra nuôi, Việt Nam gần như độc quyền con cá tra trên thị trường thế giới nhưng các nhà xuất khẩu trong nước thì cạnh tranh lẫn nhau hạ giá bán-Ảnh: Hồng Văn Dù là thị trường mới, sản lượng lẫn kim ngạch còn khiêm tốn nhưng bài học cũ lại tái diễn khi chính các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lại cạnh tranh hạ giá bán liên tục, tới mức ông Dũng phải thốt lên: “Mới thâm nhập mà nát như tương”.

Hiện xuất khẩu cá tra phi-lê đông lạnh vào Ai Cập và Trung Đông chỉ tập trung vào vài doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp này lại cạnh tranh hạ giá bán tới mức không thể thấp hơn được nữa, dù rằng, hiện chẳng có quốc gia nào cạnh tranh trong xuất khẩu cá tra với Việt Nam.

“Việt Nam thống trị cá tra trên thị trường thế giới, không một ai cạnh tranh với con cá tra của ta nhưng chỉ có chúng ta cạnh tranh giết lẫn nhau. Ai Cập là thị trường mới toanh nhưng đã nát bét chỉ vì có một vài doanh nghiệp làm ăn cẩu thả, làm mất uy tín," ông Dũng than.

Theo lời ông Dũng kể, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu cá tra sang Ai Cập và Trung Đông, ngoài việc hạ giá bán còn bị nhà nhập khẩu ép giá khi không thanh toán theo phương thức tín dụng thư (L/C), nên khách hàng đòi không trả tiền nếu không hạ giá khi hàng đã đến cảng, càng phải hạ giá bán thêm nữa.

Theo Vasep, khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay đang tạo cơ hội cho con cá tra của Việt Nam nhờ sản phẩm cá thịt trắng, giá thấp so với các loại các khác nên được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng, trong đó có Trung Đông.

Thế nhưng với kiểu “phe ta hại phe mình” như đang xảy ra ở thị trường này thì có nguy cơ không chỉ mất thị trường mà còn mất luôn uy tín khi đã giá quá rẻ thì doanh nghiệp gian lận bằng cách tăng tỷ lệ nước để tăng trọng lương trước khi cấp đông, như đã từng xảy ra với thị trường Nga.

Ông Dũng than thở đoàn kết là khâu yếu nhất của các doanh nghiệp thủy sản khi đưa hàng ra thị trường nước ngoài. Ông cũng cho biết hiện tại ngay như thị trường Mỹ, chỉ còn 2-3 doanh nghiệp chế biến cá tra không bị thuế chống bán phá giá đưa hàng vào thị trường này nhưng các doanh nghiệp này vẫn mạnh ai nấy bán mà không thể ngồi chung với nhau được.

HỒNG VĂN (Nguồn vietlinh)