Kết quả sơ bộ của đợt thanh tra thuỷ sản lần thứ 4 của Liên minh châu Âu (EU), từ 20-30.4 vừa được bộ NN&PTNT công bố rộng rãi. Tuy đánh giá cao chất lượng thủy sản Việt Nam, nhưng cơ quan “gác cổng” về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) này vẫn cho rằng, Việt Nam cần giám sát chặt hơn thủy sản sau nuôi trồng, đánh bắt để có thể dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc…

Theo kết quả thanh tra, đoàn thanh tra EU cho rằng, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến kiểm soát ATVS thủy sản nói chung và nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam đã tương đương với luật lệ của EU. Các doanh nghiệp chế biến cũng được thanh tra EU đánh giá: đã đáp ứng cơ bản yêu cầu của EU về điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị. Qua kiểm tra một số cảng, tàu cá, đoàn chuyên gian EU ghi nhận cảng cá Cát Lở và 1 tàu ở Bà Rịa – Vũng Tàu, cơ bản đạt tiêu chuẩn EU, 2 cơ sở thu mua cũng được đánh giá có điều kiện vệ sinh khá tốt.

Nhiều “sạn” không đáng có!

Tuy nhiên, từ đợt thanh tra nói trên, thuỷ sản Việt Nam vẫn còn mắc khá nhiều lỗi. Tại một số doanh nghiệp, đoàn phát hiện các vấn đề nghiêm trọng như: thao tác của công nhân có thể gây mất an toàn cho sản phẩm (xịt cồn khử trùng găng tay, vệ sinh nền trong khi đang sản xuất, vệ sinh khử trùng nhà xưởng, trang thiết bị không hiệu quả …); nhiệt độ tâm sản phẩm đông lạnh và điều kiện bảo quản kho lạnh không đảm bảo theo quy định; thông tin trên bao bì sản phẩm và hồ sơ lưu tại doanh nghiệp chưa đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc; nước sử dụng trong quá trình sản xuất xả trực tiếp xuống nền phân xưởng …

Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh ở cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thuỷ sản lại chưa được tốt, nhất là các cơ sở sản xuất nước đá chưa hoàn toàn đáp ứng quy định của EU, kiểm soát của cơ quan chức năng về điều kiện VSATTP của các đầm nuôi chưa đầy đủ …

Khó truy xuất nguồn gốc

Cái khó nhất hiện nay, theo thanh tra EU là truy xuất nguồn gốc, trong đó nổi cộm là việc cấp mã vùng nuôi và vùng khai thác thuỷ sản theo yêu cầu của tổ chức này. Cấp mã số vùng nuôi, tuy không còn là chuyện mới mẻ trong ngành thủy sản, nhưng đến giờ, mới chỉ có vùng nuôi nghêu ở Bến Tre được cấp, còn các vùng nuôi cá, tôm …, do thay đổi liên tục nên chưa cấp được. Theo thứ trưởng bộ NN&PTNT Lương Lê Phương, để cấp mã vùng nuôi và vùng đánh bắt, cần phải có sự phối hợp giữa cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), cục nuôi trồng và cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (BVNLTS). Trước đây, nước ta chia ra 6 vùng khai thác trên biển, bây giờ, NAFIQAD và cục khai thác & BVNLTS cần phải xác định lại vùng khai thác để cấp mã số cho từng vùng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, giám đốc công ty Hải Nam (Bình Thuận), đầu tư kiểm soát chất lượng ở tàu bè, nậu, vựa thuỷ sản vẫn còn bị bỏ ngỏ. Do đó, thay vì chỉ tập trung kiểm tra doanh nghiệp như lâu nay, cơ quan chức năng cũng cần phải tổ chức kiểm tra tàu bè, nậu, vựa. Về vấn đề này, đại diện sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết việc xuống kiểm tra và cấp chứng nhận cho các cơ sở thu mua là rất khó, vì chế tài chưa đủ mạnh. Bà Trần Thị Thu Nga (sở NN&PTNT Bến Tre) cho rằng cần phải tăng cường tập huấn kiến thức ATVSTP cho các đại lý thu mua, vì đây là đối tượng thường có nhiều vi phạm nhất.

Trong lĩnh vực nuôi trồng, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tiến hành liên kết từ sản xuất con giống cho đến công tác chế biến, thương mại; liên kết giữa người nuôi với nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cục nuôi trồng thuỷ sản, viện nghiên cứu thuỷ sản cùng các doanh nghiệp nên cùng nhau làm thí điểm đầu tư một vùng nuôi an toàn. Chẳng hạn, chọn Bến Tre làm thí điểm vùng nuôi nghêu an toàn, còn ở An Giang sẽ xây dựng mô hình nuôi cá tra sạch.

Điều đáng ghi nhận là kết quả thanh tra ở Việt Nam khả quan hơn so với kết quả thanh tra thuỷ sản của EU tại một số nước trong khu vực. Chẳng hạn, ở Malaysia và Indonesia, các cơ quan chức năng vẫn chưa đảm bảo được rằng hệ thống kiểm soát chất lượng ATTP thuỷ sản và thủy sản sống là tương đương với quy định EU … Bởi thế, hiện Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới về số doanh nghiệp thuỷ sản được cấp code vào EU (301 DN), và đang có tới 30 DN khác sắp hàng để đợi được cấp code.

Hoàng Bảy<br>(Nguồn vietlinh)