Nguồn lợi hải sản của Việt Nam được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực, ngoài cá biển, còn nhiều loại đặc sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm… Nhưng đã có mấy thương hiệu hải sản Việt Nam gầy dựng được tiếng tăm trên thị trường quốc tế?

Cá ngừ đại dương là một trong 3 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng chưa được xây dựng được thương hiệu riêng. Ảnh: HẢI TRIỀU

Thương hiệu... cấp tỉnh!

Dọc miền Trung, tỉnh nào cũng có làng nước mắm truyền thống nổi tiếng thơm ngon, hương vị đậm đà… như mắm tôm Huế, mắm cá cơm Nam Ô (Đà Nẵng), mắm cá thu Phan Thiết (Bình Thuận), nước mắm Tam Quan (Bình Định)...

Một số cơ sở sản xuất mắm tại miền Trung đã xây dựng được thương hiệu, gây dựng được ít nhiều tiếng tăm nhưng rồi lần lượt “rơi đài” và thị trường tiêu thụ dần thu hẹp lại trong nội tỉnh. Khoảng 10 năm trở về trước, nghề sản xuất nước mắm phát triển mạnh ở Bình Định, nhiều thương hiệu nước mắm tại tỉnh này như Mười Thu, Thủy Tài, Bốn Phương… được bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao và đã có chỗ đứng trên thị trường Lào, Campuchia. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, sản phẩm nước mắm Bình Định tiêu thụ rất chậm, doanh nghiệp chỉ còn sản xuất cầm chừng.

Các thương hiệu nước mắm khác tại miền Trung cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nguyên nhân là do khâu quảng bá, tiếp thị, khuyến mãi… không được chú trọng, nên dù sản phẩm có chất lượng cao, giá rẻ cũng ít được người tiêu dùng biết đến.

Ông Ngô Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, cho rằng: “Nếu so sánh bề ngoài sản phẩm nước mắm Phan Thiết với một số thương hiệu khác như Chin-su, Ka Bin, Nam Ngư, Đệ Nhất… sẽ thấy sự khác biệt “một trời một vực” về hình thức mẫu mã. Dù chất lượng nước mắm Phan Thiết được đánh giá cao nhưng người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn những mẫu mã nước chấm có hình thức bắt mắt và thường được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, Việt Nam có hơn 2.000 loài cá biển khác nhau, trong đó trên 100 loài có giá trị kinh tế với tổng trữ lượng hải sản khoảng 3 - 4 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 1,5 - 1,8 triệu tấn/năm. Khả năng khai thác cá ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể đạt trên 4 triệu tấn/năm, tôm trên 44 ngàn tấn/năm, mực nang trên 64 ngàn tấn/năm, mực ống gần 60 ngàn tấn/năm... Vậy nhưng, các loại hải sản vốn là thế mạnh của Việt Nam như cá cơm, cá trích, cá ngừ, cá thu, cá chỉ vàng và các loại mực, hải sâm… đều chủ yếu tiêu thụ trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, thủy sản Việt Nam phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… và ít được biết đến ở thị trường thế giới.

Trắc trở cá ngừ đại dương

Cùng với cá da trơn và tôm, cá ngừ đại dương được Bộ Công thương xác định là một trong 3 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, trữ lượng cá ngừ đại dương ở vùng biển nước ta khoảng trên 50.000 tấn, khả năng khai thác bền vững khoảng 17.000 tấn.

Hiện trung bình mỗi năm ngư dân 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đánh bắt trên dưới 10.000 tấn cá ngừ đại dương. Phần lớn được xuất nguyên con sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ…

Nhưng đáng buồn, cá ngừ Việt Nam trên thị trường thế giới đều mang nhãn hiệu nước ngoài, còn tính đến việc xây dựng thương hiệu cho cá ngừ đại dương Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào làm được. Lý do, nguyên liệu chủ yếu dựa vào nguồn đánh bắt trên biển không ổn định, bảo quản cá bằng phương pháp thủ công kém chất lượng…

Ngay cả khi Bộ Thủy sản đã phê duyệt dự án xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá ngừ đại dương với tổng kinh phí 6,9 tỷ đồng từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa có một thương hiệu cá ngừ đại dương nào của Việt Nam có mặt trên thị trường thế giới!

Tháng 3-2011, UBND tỉnh Phú Yên đã ký kết bản thỏa thuận khung với Công ty Rakuichi Broadband Solution của Nhật Bản về thu mua, chế biến, bảo quản và xuất khẩu cá ngừ đại dương. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ thành lập công ty liên doanh tại tỉnh Phú Yên với mục tiêu thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Phú Yên. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu vẫn còn lắm trắc trở.

Hiệp hội Cá ngừ đại dương Phú Yên đã thành lập nhưng chưa có tư cách pháp nhân, chưa có cơ chế hoạt động bài bản để kiểm soát việc đánh bắt, chế biến và mua bán sản phẩm cá ngừ trên địa bàn.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khẳng định: “Có thể cần hàng chục năm mới có được thương hiệu quốc tế cá ngừ đại dương Phú Yên, nhưng phải làm bằng được mới nâng cao giá trị của ngành kinh tế này. Nếu Phú Yên tạo được thương hiệu chung cho sản phẩm cá ngừ đại dương sẽ là lợi thế lớn để nâng cao giá trị kinh tế cho ngư dân, kim ngạch xuất khẩu và tạo thuận lợi cho nghề câu cá ngừ ở hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định cùng phát triển”.

Cần ngọn cờ tiên phong

Tháng 9-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển thủy sản thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế… Xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng cho một số sản phẩm thủy sản chủ lực phục vụ xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách sản phẩm thủy sản của các nước nhập khẩu… Đây là điều kiện thuận lợi để các sản phẩm hải sản Việt Nam xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới.

Mặc dù các địa phương và hiệp hội về thủy sản rất quan tâm và mong muốn xây dựng, phát triển các thương hiệu tập thể cho hải sản của Việt Nam nhưng vẫn còn một khoảng cách quá xa giữa mong muốn và thực tiễn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa thật sự hiểu về sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu tập thể; nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tận dụng cơ hội để thu lợi nhuận mà chưa nghĩ đến cần phải tạo dựng được lợi thế cạnh tranh bền vững nhờ hình ảnh thương hiệu.

Ông Trần Văn Lang, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, cho rằng: “Nhiều đề nghị xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hải sản không thành công, do không có sự đồng lòng của các doanh nghiệp. Cứ sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, không đoàn kết, không đồng lòng xây dựng thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh thì làm sao tạo được thương hiệu đủ tầm quốc tế”.

Để xây dựng thương hiệu cho hải sản Việt Nam, “cờ” đang nằm trong tay các hiệp hội về thủy sản và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản. Nhưng ai sẽ phất “cờ tiên phong” để thương hiệu hải sản Việt Nam đứng vững trên thị trường thế giới?

* Bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Sâm (Phú Yên), cho biết sẽ cùng 5 nhà đầu tư Nhật Bản thành lập một công ty liên doanh kinh doanh, chế biến xuất khẩu cá ngừ đại dương vào cuối năm nay và tiến tới xây dựng thương hiệu cho cá ngừ đại dương Phú Yên. Phía Nhật Bản sẽ đưa sang Phú Yên một tàu cấp đông để thu mua cá ngừ của ngư dân ngay trên biển và trong 2 năm đầu, tàu được phía Nhật Bản cho công ty liên doanh thuê miễn phí. Giá thu mua sẽ phụ thuộc chất lượng cá ngừ và dao động từ 12 - 20 USD/kg. Dự kiến mỗi năm sẽ có 2.000 - 3.000 tấn cá ngừ được xuất khẩu từ liên doanh này.

* Ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: Đặc sản tôm chua Huế được thực khách gần xa biết và rất “ghiền” nên nhiều gia đình ăn nên làm ra từ việc sản xuất kinh doanh đặc sản này với các tên tuổi như bà Hường, bà Mai, cô Ri, cô Duệ, Tô Việt... Thậm chí, tôm chua Huế còn được sản xuất, kinh doanh ở nhiều nơi trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tháng 8-2011, tôm chua Huế được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Việc công bố nhãn hiệu đặc sản “Tôm chua Huế” sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm này được giới thiệu, quảng bá trên thị trường trong và ngoài nước./.

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng