“Thương cho con cá cơm Việt Nam”, ông Trương Thịnh, một Việt kiều đang kinh doanh thủy sản ở Mỹ, thốt lên như vậy khi tận mắt chứng kiến con cá cơm khô của Việt Nam thua thiệt so với cá cơm khô của các nước trong khu vực cùng có mặt ở thị trường Mỹ.
Sở dĩ ông Thịnh nhận xét như thế vì ông biết chắc chắn rằng đa phần cá cơm khô ở Mỹ có xuất xứ từ Việt Nam nhưng bao bì, nhãn mác lại không phải của Việt Nam mà là của các nước khác với giá bán khá cao so với giá xuất khẩu cá cơm khô mà các doanh nghiệp Việt Nam nói cho ông biết. Còn cá cơm khô mang nhãn mác của các doanh nghiệp trong nước rất ít, nếu có thì kỹ thuật in bao bì quá kém so với trình độ in bao bì ở Mỹ.
Mỹ là quốc gia nổi tiếng nghiêm ngặt với các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng, ông Thịnh cho hay, kỹ thuật chế biến cá cơm khô trong nước còn rất kém, khiến cá mau đổi màu, mau bốc mùi và như vậy rất khó vượt qua hàng rào tiêu chuẩn của Cơ quan Quản lý thực phẩm - dược phẩm của Mỹ (FDA). Thực tế đã chứng minh điều ông Thịnh nói, vì có trường hợp một doanh nghiệp xuất khẩu cá cơm ở Nha Trang khi đưa cá cơm khô vào Mỹ bị FDA từ chối liên tục trong bốn tháng liền.
Theo nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản có làm mặt hàng cá cơm khô thì trước đây, các nhà nhập khẩu cá cơm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan mua cá cơm khô thành phẩm qua các doanh nghiệp Việt Nam rồi về nước chế biến, đóng gói và gắn nhãn mác của họ để tiêu thụ hoặc xuất tiếp qua nước thứ ba, mà thường là thị trường Mỹ. Nhưng nay điều đó đã thay đổi. Hơn một năm trở lại đây, các thương nhân này lại trực tiếp sang các vùng ven biển ở Kiên Giang, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận mở xưởng sơ chế, chế biến cá cơm gián tiếp thông qua các chủ vựa trong nước. “Họ muốn kiểm soát chất lượng cá cơm khô ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào của công đoạn sấy hấp đầu tiên sau khi ghe tàu đánh bắt cá cơm cập bờ, trả bằng tiền mặt cho các chủ ghe tàu”, ông Nguyễn Ngọc Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Thủy sản DKPT ở TPHCM, nhận định. DKPT là doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy sản khô, trong đó có cá cơm khô.
Ông Đức cho rằng việc các thương nhân nước ngoài vào Việt Nam trực tiếp cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam, trước mắt sẽ làm phá sản các chủ xưởng sấy hấp cá cơm vốn nhỏ, không cạnh tranh nổi trong việc ứng tiền mua cá cơm cho các chủ ghe tàu.
Sở dĩ các thương nhân nước ngoài làm vậy là do tập quán chế biến cá cơm khô của ta. Mặc dù trữ lượng nguồn cá cơm của nước ta lớn, có chất lượng tốt, được những bạn hàng lớn như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đài Loan ưa chuộng, tuy nhiên do kỹ thuật bảo quản, hấp luộc chưa tốt, gây ẩm mốc, độ ẩm có lúc chiếm tới 26-28%, tỷ lệ mất đầu tới trên 15%, mùi vị chưa thật hấp dẫn, chất lượng thiếu ổn định. Trong khi ngư dân Việt Nam chủ yếu bảo quản cá cơm bằng cách ướp đá từ 6-8 giờ đồng hồ trên ghe tàu sau đó mới được vận chuyển vào bờ để luộc, phơi nắng - vừa tốn kém mà vẫn không giữ được màu sắc nguyên thủy của cá; thì các ngư dân của Thái Lan đã đầu tư đồng bộ nên có thể luộc, phơi khô cá ngay trên tàu, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm chất lượng cá tươi ngon, sau đó họ mới chuyển cá vào bờ để tiến hành sấy bằng công nghệ hiện đại.
Không chỉ cá cơm, mà các mặt hàng thủy sản khô như cá chỉ vàng, mực khô hiện nay cũng được các thương nhân Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc đến các tỉnh ven biển thu mua trực tiếp và mở xưởng chế biến ngay tại đây, trước khi đóng container xuất về nước. “Rồi sẽ đến lượt các công ty xuất khẩu hàng thủy sản khô trong nước bị cạnh tranh. Từ cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu, nay chuyển qua cạnh tranh ngay tại vùng nguyên liệu”, ông Đức nhận xét. Nhưng điều làm ông Đức lo lắng chính là khả năng liên kết giữa các chủ ghe, chủ vựa trên bờ và doanh nghiệp xuất khẩu cá cơm gần như không có, mạnh ai nấy làm và hồi kết của câu chuyện sẽ là thua thiệt từ chủ vựa ở ven biển tới nhà xuất khẩu, như cảnh báo của ông Đức.
Hồng Văn (Nguồn vasep)