Để đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản sang Đài Loan, trước hết Hiệp hội và các doanh nghiệp cần quan tâm tới chất lượng hàng hoá, trong đó đặc biệt chú ý vấn đề VSATTP và dư lượng các hoá chất kháng sinh, lấy chất lượng làm trọng
Vừa qua, Cục Y tế Đài Loan đã phát hiện 3 lô sản phẩm cua bể tươi sống của doanh nghiệp G.S.A Co., Ltd Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan có tỉ lệ chất CS (semicarbazide) cao hơn tiêu chuẩn cho phép theo quy định của Luật Quản lý vệ sinh thực phẩm Đài Loan. Phóng viên Báo Thương Mại đã trao đổi với ông Dương Văn Cơ- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đài Loan về một số vấn đề liên quan.
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Ông có thể cho biết tình hình xuất khẩu sản phẩm này sang Đài Loan trong thời gian gần đây?
- Đối với mặt hàng này, Việt Nam xuất sang Đài Loan không ổn định và chưa bền vững. Theo số liệu của Cục Hải quan Đài Loan, từ 1/2006-2/2007, kim ngạch nhập khẩu của Đài Loan từ các nước và khu vực đạt trên 360 triệu USD, Việt Nam đứng thứ 12 trong số các thị trường xuất khẩu mặt hàng này sang Đài Loan, đạt kim ngạch 9,2 triệu USD và nhập về từ thị trường này là 13,3 triệu USD.
Mặt hàng thuỷ hải sản của Việt Nam xuất sang thị trường Đài Loan bao gồm: Cá sống đứng thứ 8, đạt 170.781 USD; các sản phẩm thuộc mã số HS 0307 đạt gần 1,2 triệu USD, tăng 251,12% so với cùng kỳ năm trước; nhóm mã số HS 0304 đạt 2,2 triệu USD, tăng 135,55%; đặc biệt nhóm các mặt hàng thủy sản mang mã số HS 0306, tuy đứng thứ 8 nhưng kim ngạch tương đối cao, đạt trên 5 triệu USD, tăng 12,814%. Một số mặt hàng giảm như sản phẩm cá tươi/ướp lạnh mang mã số HS 0302 đạt 246.649 USD, giảm 32,67%.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đài Loan?
- Chúng ta có rất nhiều thuận lợi: Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO, còn các doanh nghiệp Đài Loan lại rất giỏi trong việc tái xuất và gia công tái xuất và bạn cũng rất quan tâm tới mặt hàng thuỷ hải sản của Việt Nam như: Cá cảnh, cá chế biến đông lạnh (cá tầm, cá ngừ, cá trình và các loại tôm sú nuôi, tôm sắt, cá mực, bạch tuộc…). Nếu chúng ta biết tổ chức sản xuất, thu mua, gia công, chế biến, vận chuyển, bảo quản và đặc biệt khâu bảo đảm an toàn VSTP, tôi nghĩ rằng, kim ngạch xuất khẩu hàng thuỷ hải sản sang Đài Loan sẽ đạt trên 10 triệu - 20 triệu USD/năm.
Việc phát hiện 3 lô sản phẩm cua bể tươi sống của doanh nghiệp Việt Nam có tỉ lệ chất CS cao hơn tiêu chuẩn cho phép của phía Đài Loan đã cảnh báo điều gì đối với vấn đề VSATTP của thủy sản chúng ta tại thị trường này?
- Thuỷ sản Việt Nam liên tục bị cảnh báo về chất lượng VSATTP tại thị trường Mỹ, Nhật, EU. Nhưng đối với thị trường Đài Loan lượng thuỷ sản XK sang đây của chúng ta chưa lớn. Đối với thủy sản Việt Nam, Đài Loan vẫn được coi như một thị trường dễ tính. Gần đây, Cơ quan y tế Đài Loan mới có cảnh báo 3 lô hàng cua sống sau khi kiểm tra một số lượng hàng nhất định của GSA COMPANY LIMITED có dư lượng chất CS (semicarbazide) cao hơn so với quy định của bạn. Sau sự kiện này, phía Đài Loan cũng đã tuyên bố sẵn sàng áp dụng những biện pháp mạnh đối với những lô hàng thuỷ sản Việt Nam xuất sang Đài Loan, nếu tình hình trên không được cải thiện.
Vậy các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh mặt hàng này tại Đài Loan cần phải thực hiện những gì?
- Để đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản sang Đài Loan, trước hết Hiệp hội và các doanh nghiệp cần quan tâm tới chất lượng hàng hoá, trong đó đặc biệt chú ý vấn đề VSATTP và dư lượng các hoá chất kháng sinh, lấy chất lượng làm trọng. Đồng thời xây dựng được các kênh phân phối hàng hoá qua các chợ bán buôn hải sản và các tập đoàn siêu thị lớn của Đài Loan. Hơn nữa, Cơ quan quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản của hai thị trường cần có sự quan hệ thường niên mật thiết, ký kết được những thoả thuận công nhận lẫn nhau về kiểm nghiệm, kiểm dịch chi tiết, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản sang Đài Loan ổn định và phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông! | |
Vân Anh (thực hiện) |