Theo đánh giá chung của Tổ chức Thông tin Ngư nghiệp Toàn cầu (Globefish), nhập khẩu tôm của Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2006 đã đạt mức kỷ lục, trong khi hoạt động sản xuất tôm nội địa vẫn tiến triển tốt. Nhập khẩu tôm của Mỹ từ các thị trường chính như Thái Lan, Indonesia, Ecuador và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng lên. Giá tôm tại thị trường nội địa ổn định ở mức thấp. Dưới đây là những nhận định cụ thể của Globefish.
- Tôm nhập khẩu Mỹ vẫn duy trì xu thế tăng
Trong 4 tháng đầu năm 2006, nhập khẩu tôm của Mỹ từ các thị trường cung ứng trên thế giới vẫn duy trì xu hướng tăng như cùng kỳ năm 2005. Số liệu thống kê chính thức do Globefish đưa ra cho thấy, lượng tôm nhập khẩu của Mỹ trong thời gian trên đã tăng 12% so với mức kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng và giá trị tôm nhập khẩu của Mỹ trong thời gian từ tháng 1-4/06 lần lượt đạt 161.592 tấn và 1.110,6 triệu USD, tăng tương ứng 12% và 13% so với cùng kỳ năm 2005. Giới quan sát cho rằng đây là “tình trạng cung qúa đà”.
Thị phần tôm của Thái Lan, Indonesia, Ecuador và Trung Quốc tại thị trường Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2006 chiếm 69%, tăng so với 64% cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, đáng lưu ý là xuất khẩu tôm của Malaysia, Băngladesh, Pêru và Căm-pu-chia sang Mỹ trong thời gian trên cũng tăng lên.
Không giống như các nước kể trên, xuất khẩu tổm của Việt Nam và Ấn Độ trong 4 tháng đầu năm 2006 giảm theo thứ tự 4% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng kể nhất là xuất khẩu tôm của Brazil thời gian này đã giảm rất mạnh (89%) do ngành tôm nước này đang chuyển hướng chú trọng sang thị trường châu Âu.
- Nhân tố ảnh hưởng đến nhập khẩu tôm của Mỹ
Giá tôm trên thị trường quốc tế thấp cũng kích thích hoạt động nhập khẩu tôm của Mỹ. Tuy nhiên, thị trường tôm nhập khẩu của Mỹ trong thời gian này cũng chịu tác động từ sự cơ cấu lại tổ chức của một số nhà sản xuất và chế biến tôm lớn trong nước. Theo đó, công ty đa quốc gia lớn của Mỹ là ConAgra cuối cùng đã quyết định từ bỏ hoạt động kinh doanh hải sản, trong khi hai công ty chế biến hải sản Singleton và nhập khẩu tôm Meridian đã được bán cho những chủ sở hữu mới.
Về vấn đề áp thuế chống phá giá tôm của chính phủ Mỹ, Globefish cho biết, đã có một vài biến chuyển về mức thuế áp dụng đối với các công ty xuất khẩu tôm thuộc 6 quốc gia bị qui kết bán phá giá. Hiệp hội Tôm miền Nam Hoa Kỳ đã ký các thoả thuận với các nhà xuất khẩu tôm từ nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam, Thái Lan và Ecuador.
- Sản phẩm tôm nhập khẩu chính
Hầu hết các mặt hàng tôm nhập khẩu của Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2006 đều tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó những sản phẩm tôm có giá trị cao tăng lên nhiều nhất. Đáng kể là nhập khẩu tôm tẩm bột đông lạnh và các sản phẩm tôm đông lạnh khác trong thời gian từ tháng 1-4/06 của Mỹ tăng tương ứng 24% và 34% so với cùng kỳ năm 2005. Tuy nhiên, đơn giá nhập khẩu trung bình của các sản phẩm này lại giảm lần lượt 4% và 2%.
+ Tôm nguyên vỏ bỏ đầu:
Đây là mặt hàng tôm nhập khẩu chính của thị trường Mỹ (chiếm 44% tôm nhập khẩu của nước này). Thị phần loại tôm này tại Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2006 vẫn duy trì ở mức tương tự như cùng kỳ năm 2005. Nhập khẩu tôm nguyên vỏ bỏ đầu loại 21/25 (con/kg) và trên 70 tuy giảm xuống, nhưng các loại khác, trái lại, đều tăng lên. Mức giá trung bình các loại tôm này có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2005. Do nhập khẩu giảm sút nên nguồn cung tôm nguyên vỏ bỏ đầu loại trên 70 trở nên khan hiếm trên thị trường nội địa khiến giá mặt hàng này trong tháng 1-4/06 đã tăng lên 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá tôm trung bình loại 21/25 và 15/20 lại giảm xuống tương ứng 7% và 4%. Đối với các loại tôm này, nhà cung cấp chính của thị trường Mỹ vẫn là Ấn Độ, Mêxicô, Việt Nam và Bangladesh, trong khi Thái Lan, Indonesia, Ecuador là những nước cung ứng các loại tôm nhỏ hơn.
+ Tôm bóc vỏ đông lạnh :
Nhập khẩu tôm bóc vỏ đông lạnh của Mỹ trong thời gian tháng 1-4/06 đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2005. Các nhà cung ứng mặt hàng này sang thị trường Mỹ đáng kể nhất là Thái Lan (27%), Indonesia (21%). Trong khi đó, xuất khẩu tôm bóc vỏ đông lạnh của Việt Nam trong thời gian trên lại giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
+ Tôm tẩm bột đông lạnh :
Đây là mặt hàng tôm nhập khẩu tăng mạnh nhất tại thị trường Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2006 (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2005, chiếm 10% lượng tôm nhập khẩu). So với cùng kỳ năm 2005, giá trung bình loại mặt hàng tôm này đã giảm 4%. Xuất khẩu tôm tẩm bột đông lạnh của Trung Quốc và Thái Lan sang thị trường Mỹ từ tháng 1-4/06 tăng tương ứng 38% và 7% so với cùng kỳ năm 2005. Trung Quốc hiện chiếm 80% thị phần tôm tẩm bột đông lạnh nhập khẩu của Mỹ trong khi Thái Lan chiếm 13%. Nhập khẩu tôm tẩm bột đông lạnh của Mỹ từ Ấn Độ và Indonesia trong thời gian trên cũng tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.
- Sản xuất tôm nội địa
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi nạn lũ lụt xảy ra vào năm ngoái, nhưng vụ tôm mới của bang Louisiana (bắt đầu từ tháng 5/06) có nhiều khả năng sẽ đạt sản lượng khả quan. Ngoài ra, niên vụ tôm 2006/07 của Bang Mississippi cũng đã bắt đầu vào ngày 7/6/06. Trong niên vụ này, sản lượng tôm bạc các loại có khả năng tăng lên, trong khi sản lượng tôm nâu lại có xu hướng giảm xuống.
- Triển vọng
Nguồn cung tôm cho thị trường Mỹ có xu hướng tiếp tục tăng lên, ít nhất là trong vài tháng tới khi tình hình sản xuất tôm niên vụ mới của các nước xuất khẩu mặt hàng này hứa hẹn vẫn tiến triển tốt. Nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa chưa có nhiều biến chuyển tích cực đáng kể sẽ khiến giá tôẻtong thời gian tới tiếp tục duy trì ở các mức tương đối thấp như hiện nay.
Nguồn: Thitruong, Globefish, Vietrade