Công ty liên doanh đầu tiên giữa doanh nghiệp trong nước với các đối tác Nhật Bản chuẩn bị được thành lập, triển khai thỏa thuận khung giữa UBND tỉnh Phú Yên với phía Nhật về thu mua, chế biến, bảo quản và xuất khẩu cá ngừ đại dương.
Cá ngừ đại dương được Bộ Công Thương xác định là một trong 3 mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Ngày 2/10, bà Trịnh Thị Ngọc Sâm - Giám đốc Công ty TNHH Vinh Sâm (Phú Yên), cho biết, trong tháng 10 này, công ty của bà sẽ cùng 5 nhà đầu tư Nhật Bản thành lập một công ty liên doanh kinh doanh, chế biến xuất khẩu cá ngừ đại dương.
Công ty liên doanh này có vốn điều lệ 2 triệu USD. Trong tháng 10 này, phía Nhật Bản sẽ đưa sang Phú Yên một chiếc tàu cấp đông để thu mua cá ngừ của ngư dân ngay trên biển. Trong hai năm đầu, tàu được phía Nhật Bản cho công ty liên doanh thuê miễn phí.
Giá thu mua cá ngừ đại dương sẽ phụ thuộc chất lượng cá ngừ và dao động từ 12 - 20 USD/kg. Đây là mức giá có lợi cho ngư dân Phú Yên. Dự kiến mỗi năm sẽ có 2.000 - 3.000 tấn cá ngừ được xuất khẩu từ liên doanh này.
Từ đầu năm 2011 đến nay, Phú Yên đã khai thác hơn 5.200 tấn cá ngừ đại dương. Khoảng từ 24 - 30% sản lượng được xuất khẩu sang các nước Âu, Mỹ và Đông Bắc Á mang về kim ngạch trên 10 triệu USD/năm.
Trước đó, vào tháng 3/2011, UBND tỉnh Phú Yên ký kết bản thỏa thuận khung với Công ty Rakuichi Broadband Solution Nhật Bản về thu mua, chế biến, bảo quản và xuất khẩu cá ngừ đại dương.
Theo bản thỏa thuận khung, hai bên sẽ thành lập công ty liên doanh tại tỉnh Phú Yên với mục tiêu thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Phú Yên; góp phần nâng cao chất lượng, ổn định giá cả, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ quyền lợi ngư dân Phú Yên và vùng phụ cận.
Phía các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư hai tàu đông lạnh phục vụ việc sơ chế, bảo quản cá ngừ; cung cấp lương thực, xăng, dầu và nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển; bảo đảm về mặt kỹ thuật, huấn luyện và chuyển giao công nghệ đánh bắt tiên tiến cho ngư dân Phú Yên, đồng thời làm đầu mối tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, đảm bảo mức giá 12 - 20 USD/kg; xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Phú Yên.
Phía tỉnh Phú Yên tạo điều kiện hỗ trợ cho việc thành lập công ty liên doanh tại Phú Yên hoạt động trên lĩnh vực khai thác, sơ chế, xuất khẩu cá ngừ…
Ngoài ra, hai bên còn đồng ý hợp tác hiện đại hóa phương tiện, kỹ thuật đánh bắt, chế biến và bảo quản cá ngừ; thành lập tổ công tác để trao đổi thông tin, hỗ trợ việc thực hiện bản thỏa thuận khung này.
Tiến tới xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương
Cá ngừ đại dương được Bộ Công Thương xác định là một trong 3 mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sau cá da trơn và tôm.
Theo ông Bùi Xuân Lịch, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Phú Yên là cái nôi của nghề đánh bắt, chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương, đã nổi tiếng khắp cả nước và nhiều nơi trên thế giới. Các doanh nghiệp, Hiệp hội cá ngừ Phú Yên cần liên kết xây dựng thương hiệu chung về sản phẩm này.
“Trong chương trình thương hiệu quốc gia 2011, Bộ Công Thương hỗ trợ rất nhiều cho các hiệp hội ngành hàng, thương hiệu tập thể; chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ tỉnh Phú Yên xây dựng thương hiệu chung về sản phẩm cá ngừ đại dương”, ông Bùi Xuân Lịch cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Ngọc Ẩn cho rằng: “Bây giờ mới xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm cá ngừ đại dương Phú Yên là muộn, nhưng phải làm; tỉnh sẽ xây dựng những kế hoạch từng bước và lâu dài cho vấn đề này. Có thể cần hàng chục năm để có được thương hiệu quốc tế cá ngừ đại dương Phú Yên, nhưng phải làm bằng được mới nâng cao giá trị của ngành kinh tế này”.
Cùng với Phú Yên, hai tỉnh Khánh Hoà và Bình Định cũng có nghề câu cá ngừ đại dương phát triển. Nếu Phú Yên tạo được thương hiệu chung cho sản phẩm cá ngừ sẽ là lợi thế lớn để nâng cao giá trị kinh tế cho ngư dân, kim ngạch xuất khẩu và tạo thuận lợi cho các địa phương trên.
Nguồn tin: Website Chính Phủ VN, 03/10/2011