Từ lâu, cua biển (Scylla. Serrata) đã được chú ý đưa vào nuôi tại các tỉnh ven biển Việt Nam, trong đó có Thanh Hoá do những đặc điểm như hiệu quả kinh tế cao, có thể nuôi ở nhiều hình thức khác nhau, cua chịu đựng được các yếu tố môi trường khá rộng, có khả năng vận chuyển xa…

Hiện nay, khi nuôi tôm sú gặp nhiều khó khăn về môi trường và dịch bệnh thì nuôi cua càng được bà con ngư dân vùng triều quan tâm. Thực tế sau khi thu hoạch tôm sú, phần lớn diện tích nuôi tôm ở Thanh Hóa đều thả nuôi cua, điển hình là vùng nuôi thuộc xã Nga Sơn, huyện Quảng Xương.

Theo đánh giá của ngành Thuỷ sản, sản lượng cua mấy năm gần đây tại Thanh Hoá ước đạt 500 tấn/năm. Nhìn chung năng suất - sản lượng của cua nuôi tại Thanh Hoá có những bước tiến qua từng năm song rất chậm và không ổn định. Những nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ phát triển đó là:

* Về nguồn giống:

Nguồn cua giống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.

Cua giống thường xuất hiện vào tháng 9-10 dương lịch do vậy chỉ 1 hoặc 2 tháng sau, thời tiết rét sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cua. Việc thu hoạch cua vào tháng 4, tháng 5 năm sau cũng gây ảnh hưởng đến vụ nuôi tôm sú và dễ gặp dịch bệnh gây cua chết hàng loạt.

Cỡ cua giống khai thác từ tự nhiên chủ yếu là cua bột song không đồng đều và không cùng thời gian thả (cua gom) nên tỷ lệ hao hụt cao do cua có tập tính ăn lẫn nhau.

Việc phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên dẫn đến không chủ động thời gian nuôi nên công tác vệ sinh ao đầm nuôi không chu đáo, nguồn gốc cua không rõ nên cũng có thể hao hụt do sốc môi trường, cua yếu do vận chuyển xa v.v…

Ngoài ra, hoạt động khai thác cua giống tự nhiên cũng làm cạn kiệt nguồn cua tự nhiên và còn phá huỷ cả vùng nuôi đối tượng khác nhất là khi cua giống áp vào bãi ngao.

* Về hình thức nuôi:

Hiện nay ở Thanh Hoá, người dân chủ yếu nuôi cua theo hình thức quảng canh xen ghép, mật độ giống thả 0,1-0,2 con/m2 là chính, chỉ một số ít ao đầm nuôi chuyên để đạt năng suất cao.

* Về kỹ thuật nuôi:

Kỹ thuật nuôi cua chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân. Điểm hạn chế trong kỹ thuật nuôi của người dân nơi đây là không chú ý cải tạo ao trước khi thả giống và không chú ý ương, thuần hoá cua giống trước khi đưa cua ra diện tích lớn.

Trong các nguyên nhân đã nêu thì nguyên nhân không chủ động được nguồn giống là quan trọng nhất. Kết quả thu được từ dự án tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cua biển tại Thanh Hoá do Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống Hoằng Thanh thực hiện là cơ sở để khắc phục tình trạng phụ thuộc vào con giống tự nhiên. Qua các mô hình khuyến ngư đã và đang thực hiện bằng nguồn cua giống sản xuất nhân tạo tại Trung tâm giống Hoằng Thanh, cho thấy:

+ Có thể điều tiết thời vụ nuôi cua để hiệu quả cao: đối với vùng nuôi có độ mặn đảm bảo (50/00 trở lên), có thể thả giống tháng 6-7 để thu hoạch
trước và trong đợt tết nguyên đán. Lúc này cua được giá, không bị hao hụt do dịch bệnh, phù hợp với vụ nuôi tôm sú.

+ Chủ động và đủ con giống là điều kiện để thực hiện kỹ thuật nuôi thâm canh cho năng suất cao.

+ Thực tế cho thấy nếu điều kiện ương đảm bảo kỹ thuật, tỷ lệ ương cua bột lên cua giống khá cao đạt 80-90%, cua có tốc độ sinh trưởng nhanh, từ cua bột sau 2 tháng đã đạt cỡ trung bình 80-100 gam, sau 4 tháng nuôi có thể thu hoạch (cỡ 250-300 g/con) (Trong điều kiện thời tiết 25-30oC).

Để thực hiện phương hướng phát triển kinh tế Thuỷ sản trong những năm tới trong đó có phát triển nuôi cua (cụ thể đến năm 2010), sản lượng cua thương phẩm toàn tỉnh phấn đấu đạt 2000 tấn thì việc đầu tiên cần chú ý là: phải tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng công nghệ sản xuất cua giống nhân tạo để cung ứng đủ giống cho vùng nuôi cả tỉnh, đẩy mạnh công tác Khuyến ngư về kỹ thuật nuôi cua nhằm khắc phục những tồn tại đã phân tích ở trên.

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, 15/06/2009