Ngày 5-1, tại xã Quảng Thái (Quảng Xương), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo bàn biện pháp phát triển bền vững nghề nuôi cá lóc tại Thanh Hóa.
Cá lóc di nhập vào nuôi tại Thanh Hóa vào năm 2007 với quy mô nhỏ do các đơn vị làm dịch vụ thủy sản nuôi thử nghiệm và Trung tâm Khuyến ngư nuôi mô hình trình diễn 0,4 ha. Sau khi kết quả khá thành công, mô hình này được phổ biến và được nhiều hộ dân, nhất là tại các huyện ven biển hưởng ứng.
Năm 2010, diện tích nuôi cá lóc trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 50 ha. Hàng trăm hộ dân tham gia nuôi dưới nhiều hình thức, phổ biến nhất là trong bể xi măng và trong ao đất. Sản lượng cá lóc nuôi tại Thanh Hoá năm 2010 đạt khoảng 700 tấn, nhiều mô hình đạt năng suất 15 tấn/ha (với ao đất) và 150 tấn/ha (trong bể xi măng).
Sau 3 năm theo dõi quá trình nuôi thả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã kết luận: Cá lóc thích nghi tốt trong môi trường thiếu oxi, dễ nuôi, có thể nuôi với mật độ cao... Là loài cá nước ngọt nhưng cá lóc có thể chịu được độ mặn dưới 7 phần ngàn, có thể nuôi trong bể xi măng qua mùa đông lạnh.
Tham gia ý kiến, nhiều đại biểu đều nhận định: Tuy là đối tượng nuôi mới nhưng cá lóc rất phù hợp để nuôi tại những vùng ven biển, bãi ngang - nơi có nguồn thức ăn cá tạp rất thấp, hệ thống nuôi, bể nuôi nhỏ. Để phát triển hơn nữa nghề này, cần thành lập các trại sản xuất giống chuyên môn ương, sản xuất cá giống bởi hiện nay người nuôi thiếu chủ động nguồn vốn do giống chủ yếu nhập từ miền Nam; mở nhiều lớp tập huấn hoặc phát tài liệu cho nông dân về kỹ thuật nuôi, phòng bệnh cho cá thương phẩm tại các địa phương...
L.Đ