Thanh Hóa có 102 km bờ biển hình cánh cung và vùng lãnh hải rộng khoảng 17.000 km2, chịu ảnh hưởng chi phối bởi các dòng hải lưu nóng và lạnh, tạo thành các bãi cá, bãi tôm có trữ lượng khá lớn, tập trung nhiều ở các bãi tôm Hòn Nẹ, bãi cá Bắc Hòn Mê, bãi cá ngoài khơi Sầm Sơn... Đây là những bãi tôm, cá được coi là trọng điểm nguồn lợi hải sản của ngư trường vùng Bắc bộ.

Bên cạnh đó, dọc bờ biển tỉnh Thanh Hoá lại có tới 5 cửa lạch chính: Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng, Lạch Ghép là những nơi rất thuận lợi cho các tàu đánh cá ra vào và tạo thành vùng nuôi trồng các loại thủy, hải sản, nhuyễn thể rất tốt, đồng thời đây cũng là trung tâm phát triển nghề cá của tỉnh. Ở vùng cửa Lạch Hới có những bãi đất bồi, bãi cát rộng hàng ngàn ha có thể dùng để nuôi trồng thủy, hải sản, trồng cói, trồng cây chắn sóng và sản xuất muối; diện tích nước mặt rộng lớn ở vùng đảo Mê, đảo Nẹ, Biện Sơn có thể tổ chức nuôi cá song, trai ngọc, tôm hùm và hàng ngàn ha nước mặn ven bờ để nuôi ngao, sò; hàng ngàn ha nước mặn, lợ có thể nuôi tôm sú, cua, cá... Theo tài liệu điều tra của ngành chức năng cho thấy, vùng biển Thanh Hóa có trữ lượng khoảng 100 đến 120 ngàn tấn hải sản, trong đó cá nổi khoảng từ 50 đến 60 ngàn tấn, cá đáy khoảng từ 40 đến 50 ngàn tấn và các loại hải sản khác như tôm, mực...

Nguồn lợi thủy, hải sản của vùng biển tỉnh Thanh phong phú và đa dạng, nhân dân vùng biển hầu hết đều có nghề khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản truyền thống, lâu đời. Nhất là những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, tỉnh, lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản vùng biển thuộc 6 huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn và thị xã Sầm Sơn đã có bước phát triển khá mạnh, ngư dân đã chủ động bám biển, nâng cao năng lực khai thác; nguồn lợi thủy, hải sản từng bước được quản lý, bảo vệ hiệu quả.

Kết quả khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản mỗi năm một tăng, bình quân mỗi năm sản lượng khai thác đạt khoảng trên dưới 70.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ khoảng trên dưới 10.000 tấn. Riêng năm 2010, mặc dù còn nhiều khó khăn trong nghề biển như thiếu tàu có công suất lớn đánh bắt ngoài khơi, năng lực về vốn hạn chế, nhưng toàn tỉnh đã có gần 8.000 tàu cá đã đăng ký (tổng số tàu cá khai thác hải sản trong toàn tỉnh tính đến ngày 30-11-2010 là 8.611 chiếc), công suất bình quân 33,61 CV/tàu, sản lượng khai thác biển đã nâng lên hơn 71.000 tấn, bằng 105,6% kế hoạch. Hải sản khai thác có được nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá nục, cá thu, cá ngừ ù, cá lưỡng, cá mối, cá phèn... Một số nghề khai thác có hiệu quả như nghề lưới vây rút chì ở xã Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn), lưới rê khơi sát đáy ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa)... Về nuôi trồng thủy, hải sản, mặc dù năm 2010 thời tiết không thuận lợi như hạn hán, nắng nóng kéo dài đã gây không ít khó khăn cho việc nuôi trồng nhưng sản lượng nuôi trồng thủy, hải sản vẫn đạt cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nuôi hải sản nước mặn đạt 5.547 tấn, tăng 33,09% so với cùng kỳ (đối tượng nuôi chủ yếu là ngao, cá lồng); nuôi thủy sản nước lợ đạt 5.650 tấn, tăng 16,11% so với cùng kỳ (đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm chân trắng, cua xanh, cá bống bớp, cá vược...).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh thì trong thời gian qua, nhân dân các huyện, thị xã vùng ven biển đã và đang tập trung phát triển mạnh nghề này, nhưng thực tế nghề cá vẫn phát triển ở quy mô nhỏ, phục vụ khai thác, đánh bắt chủ yếu là các tàu cá công suất bé, ít tàu có công suất lớn (các tàu đánh cá công suất nhỏ hơn 90 CV hiện chiếm khoảng trên 90% tàu cá toàn tỉnh). Do tàu thuyền nhỏ nên ngư trường hoạt động không được mở rộng mà các tàu thuyền khai thác hải sản chủ yếu hoạt động ở vùng ven bờ và vùng lộng, hiệu quả hoạt động của các tàu không cao, đồng thời đã làm giảm đáng kể nguồn lợi thủy sản ven bờ. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của một số loại ngư cụ không được phát huy, hiệu quả thấp như nghề lưới vây sâu rút chì, mành chụp đều giảm sút, ngư dân phải bán tàu (riêng năm 2010 ngư dân đã bán đi 70 tàu). Công tác quản lý tàu cá vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sót, nhất là số tàu có công suất nhỏ dưới 30 CV còn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số tàu cá hiện có và đang có xu hướng ngày một tăng, số lượng tàu cá báo cáo còn sai số lớn so với thực tế.

Mặt khác, lao động khai thác cá lành nghề và cán bộ quản lý khai thác hải sản của các địa phương còn thiếu nhiều, phần lớn lao động nghề cá hoạt động theo kinh nghiệm là chính. Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng còn nhiều vi phạm như thường xuyên xảy ra tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác hải sản làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, khó phục hồi, phát triển...

Cùng với nghề khai thác, lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản vùng nước mặn lợ trong thời gian qua cũng được các huyện và nhân dân vùng ven biển quan tâm, phát triển nhằm thu hút nhiều lao động và sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước hiện có. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả như mô hình nuôi ngao, vẹm, nuôi cá lồng (nước mặn), tôm sú, tôm he chân trắng (nước lợ)...

Tuy nhiên, hiện nay sản lượng nuôi trồng thủy sản mặn lợ còn rất thấp, hiệu quả nuôi trồng thủy, hải sản chưa cao, chưa đáp ứng với yêu cầu. Nguyên nhân của những hạn chế trên được xác định, trước hết là do trong nuôi trồng các biện pháp kỹ thuật phục vụ nuôi trồng chưa được thực hiện nghiêm túc; việc sản xuất giống tại chỗ chưa đáp ứng được cả về chủng loại, số lượng và chất lượng, các cơ sở sản xuất giống thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh còn ít nên các giống thả nuôi chủ lực trong tỉnh chủ yếu là mua ở các tỉnh ngoài di ương về, chất lượng nguồn giống chưa được quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hạ tầng đồng nuôi ở nhiều nơi trong tỉnh thấp kém, hàng năm ít được đầu tư nâng cấp, cải tạo, rất khó cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất và nuôi các đối tượng nuôi mới đòi hỏi cơ sở vật chất kỹ thuật cao hơn...

Mục tiêu trong những năm tới, tỉnh Thanh Hoá tập trung phát triển nghề biển tương xứng với tiềm năng biển và nguồn lợi thủy sản vốn có, đồng thời mở hướng đưa ngành sản xuất này lên một tầm cao mới, từng bước đưa vào khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản đạt hiệu quả cao hơn, vừa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế vừa bảo vệ được nguồn lợi thủy sản và giữ vững an ninh chủ quyền vùng biển quốc gia, bắt kịp nhịp độ phát triển nghề biển của thế giới. Với mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hoá đã xác định trong những năm tới sẽ tập trung phát triển toàn diện cả về đánh bắt, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần và chế biến.

Để đưa nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, đồng thời bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, thiết nghĩ bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách ưu đãi về vay vốn để ngư dân đầu tư xây dựng hệ thống đồng nuôi, có giải pháp về giống tốt hơn, nâng cấp và đóng mới các loại tàu có công suất lớn mở rộng ngư trường đánh bắt vươn ra khơi xa, cần tăng cường công tác quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, xung điện, dùng lưới mắt nhỏ... quản lý chặt chẽ các loại tàu thuyền khai thác đánh bắt hải sản trên biển, không cho các tổ chức, cá nhân đóng mới, cải hoán, mua thêm tàu đánh bắt trên biển có công suất dưới 30 CV (theo quy định).

Cùng với những yêu cầu trên, cần tổ chức lại khâu khai thác hải sản trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, giảm tàu nhỏ dưới 30 CV, khuyến khích phát triển tàu xa bờ công suất trên 90 CV cho phù hợp với từng vùng, tuyến biển, môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản, phấn đấu đến năm 2015 sản lượng hải sản khai thác đạt trên 76.000 tấn. Trong nuôi trồng thủy sản, cần tiếp tục chỉ đạo tổng kết một số đối tượng nuôi trồng thủy sản chính phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết của tỉnh và thị trường tiêu thụ để hình thành và phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Cần xúc tiến đầu tư nâng cấp các khu nuôi tôm công nghiệp như Nga Tân (Nga Sơn), Đa Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), Thanh Thủy (Tĩnh Gia)... đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm he chân trắng thâm canh, phấn đấu đến năm 2015 tổng diện tích nuôi trồng đạt 19.000 ha, sản lượng đạt khoảng 48.000 tấn (cả nuôi trồng thủy sản nước ngọt).

Lê Việt