Các công ty xuất khẩu tôm Thái Lan sẽ đề nghị Bộ Thương mại tuần này phải gửi các đơn khiếu kiện Mỹ lên WTO tách bạch thành 2 vụ. Một đơn kiện về việc Mỹ áp dụng nguyên tắc tính thuế “đưa về không” và một đơn kiện về việc Mỹ yêu cầu trả tiền ký quỹ liên tục.

Ông Poj Aramwattanont, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Thái Lan cho biết, sự tách biệt này sẽ có cơ hội thành công cao hơn. Theo ông, có thể thấy rõ là Mỹ đã vi phạm quy định của

Hồi tháng 3 năm ngoái Thái Lan đã kiện Mỹ về những động thái này, nhưng lại đưa chung vào một cáo buộc, theo đó họ cho rằng việc tính thuế đưa về không và yêu cầu trả tiền ký quỹ liên tục là không công bằng.

Hiệp hội nhận thấy việc đưa chung những khiếu kiện này quá phức tạp và đó là nguyên nhân làm chậm tiến độ xử lý.

Thái Lan cho rằng, Mỹ đã tính thuế CBPG không hợp lý bằng phương pháp phức tạp xác định thuế suất theo nguyên tắc đưa về không. Họ còn cho rằng những yêu cầu trả thuế là quá nặng.

Việc tách bạch này sẽ rút ngắn quá trình điều tra và có thể khuyến khích Mỹ đàm phán với Thái Lan. Các công ty xuất khẩu tôm Thái Lan đều tin rằng họ sẽ thắng trong vụ kiện tính thuế “đưa về không” vì việc này đã bị WTO phán quyết là phi lý trong một vụ kiện khác.

WTO phát hiện việc tính thuế “đưa về không” đã dẫn đến biên phá giá giả đẩy thuế cao hơn, nhưng họ đã ủng hộ Mỹ trong vụ tranh cãi tính thuế đưa về không mà Nhật khởi kiện, họ cho rằng tất cả các dẫn chứng mà Nhật đưa ra đều không vi phạm luật quốc tế.

Bên cạnh thuế CBPG, các công ty xuất khẩu tôm Thái Lan còn phải trả tiền ký quỹ liên tục và đến nay vẫn chưa nhận được tiền hoàn lại từ Mỹ cho số tiền họ đóng từ năm 2005.

Theo hiệp hội, các nhà xuất khẩu nước này đã phải trả hơn 100 triệu USD tiền ký quỹ và trả thuế CBPG từ 5,79-6,82% giá trị hàng xuất.

Trong khi đó, hiệp hội dự định tuần này sẽ trả lời công văn của Tổ chức Lao động Quốc tế cáo buộc các trại nuôi và các nhà máy chế biến thực phẩm Thái Lan thuê lao động là trẻ em di cư. Ông Poj cho rằng báo cáo này không đúng sự thật và hiệp hội sẽ có bằng chứng để phủ nhận.

Bộ Thương mại cảnh báo người nuôi tôm Mỹ có thể sẽ lợi dụng báo cáo này để bảo vệ thị trường của họ. Người nuôi tôm bang Lousiana đã kêu gọi chính phủ Mỹ cấm tôm Thái Lan vì cho rằng Thái Lan sử dụng lao động trẻ em và phá giá tôm ở Mỹ.

Thái Lan là nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường Mỹ. Năm ngoái, xuất khẩu tôm từ nước này đạt 193.764 tấn, cao gấp 3 lần của Trung Quốc- nước cung cấp lớn thứ 2. Nhưng trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của nước này chỉ đạt 1.593 tấn, giảm 95%.

Ông Poj cho biết, Bộ Ngoại thương Thái Lan sẽ bàn bạc với các tùy viên ở Geneva về cách tiến hành vụ kiện. Thái Lan có thể chờ xem kết quả của vụ kiện tương tự giữa Mỹ và Êcuađo, trong đó Mỹ đã bị phát hiện là vi phạm quy định và vì vậy buộc phải đồng ý thay đổi cách tính thuế vào tháng 8 tới. Mỹ sẽ điều chỉnh phương pháp tính ký quỹ liên tục, vì vậy có thể sẽ giảm được chi phí cho Thái Lan.

LH (Growfish, www.vasep.com.vn)