WTO đã ra phán quyết nghiêng về các nguyên đơn là Ấn Độ và Thái Lan trong việc kiện Mỹ áp dụng phương pháp “qui về 0” để tính thuế chống bán phá giá (CBPG) và buộc ký quỹ 100% và trong vụ kiện tôm vừa qua. WTO đã tuyên bố rằng cả hai hành động này là bất hợp pháp, vi phạm những qui định thương mại quốc tế.
Ấn Độ đã kiện Hải quan Mỹ áp dụng ký quỹ 100% liên tục đối với các nhà xuất khẩu tôm, nghĩa là mỗi nhà xuất khẩu phải đóng tiền ký quỹ tương đương với giá trị thuế phải chịu của họ trong năm trước, đây là một khoản tiền quá tốn kém đối với nhiều nhà xuất khẩu Ấn Độ khiến xuất khẩu tôm của nước này sang Mỹ giảm mạnh từ 372 triệu USD năm 2005-06 xuống 297 triệu USD năm 2006-07.
Ông Elais Sait, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ cho biết, nếu loại bỏ yêu cầu ký quỹ, các nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ sẽ chỉ phải trả mức thuế 7,22%, theo kết quả đánh giá hành chính gần đây nhất.
Ông Sait hy vọng sẽ có nhiều nhà xuất khẩu Ấn Độ xuất hàng sang thị trường Mỹ. Việc Thái Lan thắng kiện Mỹ trong vụ phản đối phương pháp tính “qui về 0” là một vũ khí có lợi cho Ấn Độ, sau khi WTO ra phán quyết có lợi cho Êcuađo trong vụ kiện tương tự hồi đầu năm nay. Ấn Độ cũng đã sẵn sàng để đưa vụ kiện lên WTO.
Quyết định loại bỏ phương pháp tính “quy về 0” đối với Thái Lan có thể dẫn đến kết quả giảm mạnh hoặc có thể dỡ bỏ mức thuế hiện nay đối với tôm của nước này. Êcuađo, Thái Lan là 2 nước đứng đầu về xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Êcuađo đã được giảm thuế xuống 0% sau khi thắng lợi trong vụ kiện tương tự phản đối phương pháp tính “quy về 0” hồi đầu năm nay.
Toàn bộ những vấn đề cơ bản của vụ kiện CBPG tôm này đã gần như sụp đổ khi phương pháp tính này bị loại bỏ. Phương pháp quy về 0 mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sử dụng để tính toán các mức thuế CBPG chỉ tính đến các doanh số bán đạt dưới mức giá trị mà DOC tuỳ tiện đặt ra, họ bỏ qua tất cả những doanh số bán đạt ở mức giá trị cao hơn. Thực tế việc làm này như một sự trừng phạt đối với các doanh nghiệp, những người có giá bán trung bình cao hơn nhiều so với chi phí và giá của họ thực sự có tính cạnh tranh, DOC đã bỏ qua tất cả phần doanh số bán với giá cao hơn mà chỉ tính phần doanh số bán với giá thấp nhất, không tính gộp cho cả hai mức doanh số. Đây gọi là chính sách thương mại “ chắc thắng” vì không có công ty nào bán hàng với giá duy nhất.
Hai phán quyết trên của WTO là thất bại lớn thứ 3 và thứ 4 về pháp lý đối với vụ kiện CBPG tôm. Hai thất bại đầu tiên là phán quyết nghiêng về phía Êcuađo cho rằng phương pháp qui về 0 là bất hợp pháp và phán quyết nghiêng về phía Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ (NFI) rằng việc ký quỹ hải quan liên tục là trái luật. Tuy nhiên, mỗi phán quyết chỉ áp dụng cho các nguyên đơn liên quan trong vụ kiện, vì vậy Ấn Độ vẫn phải theo đuổi vụ kiện của mình về phương pháp quy về 0.
Nguồn vasep