Tôi có dịp ngồi với kỹ sư Trần Trọng Huy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật và công nghệ (TTƯDKT&CN) thuộc Sở KH-CN Quảng Ngãi. Anh Huy vốn là kỹ sư điện, không biết theo con đường dích dắc nào của số phận, lại trở thành kỹ sư... tôm. "Kỹ sư tôm" bất đắc dĩ vừa rồi đã cùng tập thể nuôi tôm của mình đã xử lý thành công bệnh "tôm đỏ" mà không phải dùng tới một viên thuốc kháng sinh nào. Đó là điều thật đặc biệt, khi chúng ta biết, tôm Việt Nam xuất khẩu nhiều khi bị "thổi còi", thậm chí bị trả về vì có dư lượng kháng sinh quá lớn trong cơ thể tôm. Với bệnh "tôm đỏ" thì lâu nay, cách chữa trị đơn giản và phổ biến nhất là dùng kháng sinh, thậm chí kháng sinh liều cao. Tôm có thể khỏi bệnh, nhưng dư lượng kháng sinh trong tôm thì không thể nào tẩy rửa cho tới khi vớt tôm lên bán. Cho tới khi tôm đã vượt đại dương đến những thị trường cách xa hồ tôm hàng vạn dặm thì dư lượng kháng sinh trong con tôm vẫn còn. "Thiên hạ" họ kiểm dịch, kiểm dư lượng kháng sinh rất gắt. Quá tiêu chuẩn cho phép là lô hàng tôm xuất khẩu ấy coi như trả hoặc hủy. Vì thế, tôi đặc biệt vui mừng, dù mình chưa hề nuôi tôm, khi nghe anh Trần Trọng Huy nói về những biện pháp kỹ thuật mà TTƯDKT&CN của các anh đã xử lý thành công chống bệnh "tôm đỏ". Không dùng tới kháng sinh. Cái này mới là chuyện quan trọng nhất. Sử dụng kết hợp giữa các biện pháp cơ học trong hồ tôm như dùng quạt nước sục khí, loại bỏ các loại khí độc trong nước ao nuôi, cung cấp oxy hòa tan dồi dào và đồng đều khắp ao nuôi, không cho các hợp chất hữu cơ (gọi nôm na là phân thải) lắng tụ xuống đáy ao nuôi... Nhưng quan trọng nhất, là bổ sung định kỳ một số lượng vi khuẩn có ích nhằm phân hủy tạp chất có hại cho sức khỏe con tôm đồng thời tăng khả năng tự đề kháng của con tôm để chống lại bệnh tật. Bệnh "tôm đỏ" đã được chữa khỏi chỉ nhờ vào những biện pháp kỹ thuật như thế, nhất là nhờ sử dụng vi khuẩn có ích đúng chu kỳ và liều lượng. Những người nuôi tôm, nhất là tôm chân trắng, có thể trực tiếp gặp anh Trần Trọng Huy và các cán bộ của anh ở TTƯDKT&CN tỉnh Quảng Ngãi, số điện thoại: 055.201.333 để được tư vấn kỹ lưỡng thêm. Tôi chỉ xin làm một "cầu nối" để bà con nuôi tôm nếu gặp trường hợp tôm bệnh, nhất là bệnh "tôm đỏ", có thể nhận được sự giúp đỡ về kỹ thuật chữa trị phù hợp với yêu cầu "không dư lượng kháng sinh" trong con tôm thành phẩm khi xuất khẩu. Thanh Thảo (Theo Thanh Niên Online)