PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP, cho rằng, trước đây, tôm sú chiếm vị trí thống lĩnh do tôm chân trắng châu Á chất lượng thấp, khối lượng không ổn định; nay thì ngược lại, con tôm này chất lượng không thua kém tôm sú, khối lượng ổn định và dồi dào, giá lại rẻ hơn nên đương nhiên, con tôm sú đang có nguy cơ bị gạt dần ra khỏi các hợp đồng.
Một số nhà nhập khẩu đã quay lưng với các đơn hàng tôm sú Việt Nam chào ở hội chợ và trở nên "mặn mà" với con tôm chân trắng, vốn cùng cỡ, chất lượng tương đương mà giá lại mềm. Còn tại Việt Nam, việc cho nuôi tôm chân trắng rộng rãi vẫn đang được xem xét một cách cẩn trọng.
Tôm sú đang bị mất thị phần
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chương trình xuất khẩu thuỷ sản cuối tuần trước, bà Trần Thị Miêng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) nêu thực tế, tôm sú Việt Nam đang bị cạnh tranh rất mạnh. Ở một số hội chợ quốc tế, đối tác đã huỷ các đơn hàng tôm sú của Việt Nam, chuyển sang tôm chân trắng của Thái Lan, Trung Quốc...
Một số thị trường truyền thống của tôm sú, như Nhật Bản, Mỹ... giờ cũng trở nên "khoái" con tôm này. Tôm chân trắng cũng đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều cửa hàng ngoại quốc.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho rằng, trước đây, tôm sú chiếm vị trí thống lĩnh do tôm chân trắng châu Á chất lượng thấp, khối lượng không ổn định; nay thì ngược lại, con tôm này chất lượng không thua kém tôm sú, khối lượng ổn định và dồi dào, giá lại rẻ hơn nên đương nhiên, con tôm sú đang có nguy cơ bị gạt dần ra khỏi các hợp đồng.
"Ở thị trường Mỹ, người ta không phân biệt con tôm sú hay tôm chân trắng mà phân loại theo kích cỡ, cứ cỡ to thì giá cao. Chênh lệch giá nhập khẩu giữa hai loài tôm cùng cỡ cũng không đáng kể", ông Dũng nói.
Chính vì vậy mà ở Hội nghị “Các DN chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam”, tổ chức tại TP.HCM đầu tháng 11, các DN đã dành nhiều thời gian để thảo luận về chuyện con tôm chân trắng. Khảo sát của một số DN ở ĐBSCL tại Thái Lan cho thấy, nước này đã chuyển sang nuôi tôm chân trắng đời thứ 7, sạch bệnh. Bắt đầu triển khai nuôi mạnh từ năm 2001, đến năm ngoái, 98% tổng sản lượng tôm bán đấu giá của Thái là tôm chân trắng, với 400.000 tấn.
Qua nhiều năm thử nghiệm, nghiên cứu, hiện Thái Lan đang hoàn toàn chủ động với tôm chân trắng. Họ đã nuôi thành công tôm chân trắng cỡ lớn (vượt tôm sú), "át" cả thị phần của tôm sú Việt Nam nhờ giá rẻ hơn từ 10-15%, chất lượng lại ổn định. Tôm chân trắng cũng có ưu thế vượt trội về năng suất, đạt 25-30 tấn/ha/vụ; lợi nhuận thu được cao gấp 2-3 lần so với tôm sú.
Rõ ràng, sự thay đổi của thị trường buộc ngành tôm Việt Nam phải đa dạng hoá sản phẩm, trong điều kiện hoàn toàn có thể làm được. Chính vì vậy, VASEP vừa kiến nghị Bộ NN-PTNT có định hướng phát triển tôm chân trắng tại Việt Nam, nhất là xem xét lại lệnh cấm nuôi tôm chân trắng tại ĐBSCL đã ban hành trước đây.
Có quá cẩn trọng?
Trên thực tế, Bộ Thuỷ sản (cũ) đã cấm sản xuất tôm chân trắng giống và nuôi lẫn với tôm sú từ năm 2003. Đến 2006, Bộ cấm nuôi tôm này ở các tỉnh ĐBSCL và cho phép nuôi bổ sung tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận.
Lệnh cấm nuôi của cơ quan quản lý Nhà nước chủ yếu do lo ngại việc nhập lậu tôm bố mẹ, tôm giống (post) qua biên giới bằng đường bộ - vốn rất phức tạp và khó kiểm soát. Có tới 56% tôm giống chân trắng nhập từ Trung Quốc vào tỉnh Quảng Ninh không có giấy phép, rồi phát tán ra nhiều tỉnh (năm 2004).
Tình trạng một số DN được cấp phép nhập tôm chân trắng, khi làm thủ tục kiểm dịch cho các lô tôm bố mẹ, tôm giống đều kèm theo giấy chứng nhận sạch bệnh, song trên thực tế tôm giống từ nguồn tôm bố mẹ này được nuôi ở một số địa phương cho kết quả không ổn định, hiện tượng tôm nhiễm bệnh vẫn xảy ra.
Gần đây, trước nhu cầu thị trường về tôm chân trắng, tại Phú Yên và Quảng Nam, một hộ dân đã quy hoạch nuôi 4ha tôm chân trắng thành công, năng suất đạt 15 tấn/ha. Con giống sạch bệnh nhập từ Hoa Kỳ, đã được kiểm định cẩn thận.
Một quan chức Vụ Nuôi trồng thuỷ sản nói với VietNamNet, mặc dù đã tổ chức hai cuộc hội thảo lớn, có sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế năm 2003 và 2005, đến nay, phía cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về việc cho phép nuôi rộng tôm chân trắng ở Việt Nam.
Trước đề nghị của VASEP và nhu cầu thực tế thị trường, tháng tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục tổ chức một hội thảo khoa học về con tôm này tại TP.HCM.
Vị trên cảnh báo, nếu không kiểm soát nghiêm ngặt, tỷ lệ lây nhiễm chéo bệnh từ tôm chân trắng sang tôm sú là rất lớn, lên tới 25%. Bệnh thường gặp nhất ở con tôm này là Hội chứng Taura - gây thiệt hại lớn về sản lượng và đe dọa tới môi trường nuôi.
Vấn đề đặt ra là, tại sao Bộ NN-PTNT vẫn chưa biết, hay quá chậm trễ trong việc cập nhật thông tin, về sự thành công của các mô hình tôm chân trắng ở các nước?
Hội chứng Taura gây thiệt hại lớn ở các nước xảy ra từ những năm 1990, nay các nước đã sản xuất được tôm bố mẹ sạch bệnh và áp dụng các biện pháp KHCN nâng cao năng suất, chất lượng tôm. Trong khi đó, Việt Nam hầu như chưa có nghiên cứu nào về việc này. Chúng ta cũng thiếu một chính sách rõ ràng về quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm giống bố mẹ - điều mà Thái Lan đang làm rất tốt.
TS. Nguyễn Hữu Dũng nhận định: "Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển con tôm này nếu nhập tôm giống bố mẹ sạch bệnh, cấm nhập tôm giống và kiểm soát chặt quá trình nhập khẩu".
“Trước đây, việc nuôi thử nghiệm không thành công chỉ vì thiếu con giống sạch bệnh, kỹ thuật còn mới mẻ... Nay thì những điều kiện để phát triển loại tôm này đã chín muồi”, Chủ tịch VASEP Trần Thiện Hải cũng khẳng định tại Hội nghị DN sản xuất tôm. Khi đó, nông dân sẽ có thêm sự lựa chọn cho ao nuôi của mình, còn DN có điều kiện đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm từ con tôm.
Tôm chân trắng quyết định sản lượng tôm nuôi thế giới
Trở về từ Hội nghị Goal (Globle Outlook for Aquaculture Leadership 2007), diễn ra đầu tháng này tại Madrid (Tây Ban Nha), TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết, báo cáo của TS. James Anderson cho thấy, tốc độ tăng trưởng tôm nuôi thế giới đang phụ thuộc hoàn toàn vào tôm chân trắng.
Đặc biệt, việc phát triển của việc nuôi loài tôm này ở châu Á là nhân tố quyết định. Giai đoạn từ 2001-2006, trong khi tôm sú chỉ cố gắng duy trì ở một sản lượng nhất định, thì ở châu Á, tôm chân trắng nhảy vọt lên 1,5-1,6 triệu tấn (năm 2006) và ước đạt 1,8 triệu tấn (2009). Tổng sản lượng tôm chân trắng chiếm tới 2/3 tôm nuôi toàn thế giới.
Ngoài Thái Lan, nay Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Indonesia... đang nuôi tôm chân trắng.
Hà Yên