Google vừa tung ra dịch vụ tìm kiếm thông tin bằng hình thức hỏi đáp dựa trên cơ sở lưu trữ thông tin khổng lồ của mình. Thông qua dịch vụ này người dùng có thể được định hướng đến các trang web có chứa đầy đủ thông tin nhất theo theo mục đích.
Nếu gõ vào từ khóa “Who is Ho Chi Minh?”, Google sẽ cung cấp tối thiểu 4 trang web có đăng đầy đủ tiểu sử Bác Hồ bằng tiếng Anh, trong đó có đường dẫn đến tiểu sử của Bác Hồ đăng trong bộ từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia (trực thuộc bộ đại từ điển bách khoa Encyclopedia), gồm hầu hết mọi tư liệu liên quan đến Bác. Còn nếu chỉ đơn thuần gõ vào từ khóa “Ho Chi Minh” thì Google lại liệt kê các trang web liên quan đến địa danh thành phố Hồ Chí Minh hơn là các thông tin liên quan đến tiểu sử của Bác Hồ.
Hoặc khi gõ từ khóa “What is Computer?”, kết quả đầu tiên mà Google cung cấp là dòng chữ bằng tiếng Việt “Những định nghĩa trên web cho Computer”, khi nhấn vào kết nối này thì Google sẽ cung cấp cho chúng ta cả thảy 27 định nghĩa về Computer từ nhiều trang web khác nhau. Còn nếu đơn thuần chỉ gõ vào từ khóa “Computer” thì Google sẽ liệt kê hằng hà sa số các trang web có từ Computer mà chúng ta hầu như không thể nào mò ra được bất kỳ một định nghĩa nào về Computer trong danh sách liệt kê khổng lồ đó.
Peter Norvig, giám đốc nghiên cứu của Google cho biết dịch vụ mang tên Google Q&A này đang ở giai đoạn phát triển ban đầu nên không thể đáp ứng chính xác được tất cả mọi câu hỏi. Hiện nay Google Q&A chỉ phát huy thế mạnh trong các lĩnh vực như địa lý, vật lý, các nhân vật và sự kiện nổi tiếng … Google sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để mở rộng sang các lĩnh vực và chủ đề khác, cũng như gia tăng khả năng “hiểu” được các câu hỏi phức tạp trong mọi lĩnh vực.
Các cơ cấu tìm kiếm khác như Ask Jeeves, Yahoo, America Online … cũng đưa ra tính năng tương tự trên trang web tìm kiếm của mình nhưng Norvig cho biết rằng Google không bao giờ bị thụt lùi trước bất kỳ ai trong cuộc đua công nghệ này.
Tất cả mọi dịch vụ tìm kiếm của Google đều dựa trên nội dung của các trang web hiện được cho là đang hoạt động, nhưng Google chưa bao giờ thiết lập bất kỳ một quan hệ nào với các nhà cung cấp nội dung tức “đơn vị chủ quản” của các trang web đó. Norvig cho biết rằng Google chẳng bao giờ “sợ” việc chủ các trang web sẽ phàn nàn hoặc kiện tụng về việc các cơ cấu tìm kiếm của Google sẽ “chôm” các thông tin từ trang web của họ để cung cấp cho người khác, mà ngược lại các trang web được Google liệt kê ra trong danh sách kết quả tìm kiếm của mình nên “tự hào” là đã được Google “để mắt” đến. Đây cũng là một hình thức mà Google “lại quả” cho các thông tin mà Google “cầm nhầm” từ đủ mọi nơi.
Theo Kim Anh Tuổi Trẻ, Dân trí