Sử dụng chế phẩm sinh học hợp lý, người nuôi tôm có thể chủ động phòng tránh nhiều loại bệnh cho tôm.
Dưới nắng trưa gay gắt, nhìn những con tôm sú hơn 2 tháng tuổi óng ánh, chắc khỏe búng mạnh trong lưới, nét mặt của ông Trần Hữu Lâm rạng ngời, đôi tay run run nhẹ nhàng gỡ từng con tôm. Đã hơn 5 năm nay, ông Lâm mới có được niềm vui như thế...
Mấy năm nay, gia đình ông Trần Hữu Lâm ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc phải lao đao chỉ vì “theo đuổi” con tôm sú. Ông Lâm cho biết, mỗi khi nghe giới thiệu ở đâu có sản phẩm “độc” (tốt) hay quy trình nuôi tôm sú hiệu quả thì giá nào ông cũng lặn lội đến học hỏi. Vậy mà hơn 5 năm nay, ông Lâm luôn thất bại, những tài sản quí giá trong gia đình ông cũng lần lượt “đội nón theo con tôm sú”.
Ông Lâm cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của vùng nuôi tôm Phước Thuận trong một thời gian dài là do “mạnh ai nấy nuôi”. Trong lúc cải tạo ao hoặc kể cả lúc tôm bị bệnh, một số người nuôi tôm vẫn “vô tư” xả thải ra môi trường, kết quả là môi trường nuôi tôm ô nhiễm trầm trọng, mầm bệnh nguy hiểm luôn tồn tại… Để hạn chế sự lây lan dịch bệnh, nhiều người nuôi tôm đã áp dụng quy trình nuôi khép kín. Tuy nhiên, do tàn dư của thức ăn và sử dụng thuốc, hóa chất không hợp lý, những chất độc hại tồn dư trong đáy ao nuôi làm cho đáy ao ô nhiễm, thoái hóa, khiến tôm thường xuyên sinh bệnh, người nuôi tôm lại tiếp tục sử dụng kháng sinh… Cứ thế, tạo thành một vòng lẩn quẩn và kết quả không phải chỉ mình ông Lâm mà nhiều ao nuôi khác cũng chịu chung cảnh “trơ đáy”.
Không chịu thất bại, ông Lâm kiên trì tìm hiểu học hỏi. Vừa qua, ông đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học Bentonin-SP một cách hợp lý và ông Lâm đã thành công. Ông Lâm cho biết, ao nuôi tôm áp dụng quy trình nêu trên đến nay khoảng 70 ngày, tôm đạt trọng lượng 85 con/kg, trong khi những ao nuôi khác liền kề cũng với thời gian nuôi như trên nhưng tôm chỉ đạt trọng lượng 120 con/kg.
Theo ông Lâm, ưu điểm lớn nhất khi sử dụng chế phẩm sinh học Bentonin – SP là môi trường ao nuôi ổn định, không có mùi hôi, không có hiện tượng đóng rong, tôm lột vỏ rất đều, đặc biệt là tôm có màu sắc tự nhiên và rất khỏe. Ông Lâm tính toán, với điều kiện môi trường ổn định và tốc độ phát triển như trên, ao nuôi của ông sẽ rút ngắn được thời gian hơn 20 ngày so với các ao khác. Đây cũng là mục tiêu lớn của người nuôi tôm sú, bởi vì “tôm còn dưới ao ngày nào mất ăn ngủ ngày đó” - ông Lâm nói.
Một ưu điểm nữa trong quy trình nuôi này là tiết kiệm công lao động. Theo quy trình nuôi trước kia, mỗi ao nuôi (1ha) cũng phải mất ít nhất 3 công lao động. Với quy trình này, chỉ cần 1 người là đủ.
Việc áp dụng quy trình nuôi tôm sú sử dụng chế phẩm sinh học thành công là tín hiệu đáng mừng cho những người nuôi tôm sú, đặc biệt là ở các khu vực có những điều kiện bất lợi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc nuôi tôm sú thành công cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, mỗi sản phẩm (chế phẩm sinh học) đều có những ưu thế nhất định, người nuôi phải hết sức cẩn thận.
Trần Ân Phong
Ông Võ Xuân Hậu, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư cho biết, dựa trên nguyên lý nhân giống nhanh các khuẩn ưu thế, Bentonin – SP có khả năng phân giải các chất trầm tích, chất thải hữu cơ để nhanh chóng trả lại sự hài hòa sinh thái của đối tượng nuôi với các phù sinh vật, đồng thời hạn chế sự sinh trưởng của các vi khuẩn gây bệnh, tạo nên môi trường ổn định phù hợp cho sự tăng trưởng của đối tượng nuôi, giải quyết việc các tác động xấu của nuôi mật độ cao, lượng trầm tích trong đất quá hạn hay các chất thải hữu cơ khác...
Nguồn vietlinh