Do trứng artemia (một loài bào xác) là nguồn thức ăn có hàm lượng đạm rất cao, giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng của cá bột, tôm bột giống... nên trở thành sản phẩm không thể thiếu đối với các trại sản xuất giống thủy sản. Hiện tại, các trại sản xuất giống thủy sản ở ĐBSCL và một số tỉnh lân cận có nhu cầu tiêu thụ khoảng 2.000 tấn trứng artemia/năm. Nhu cầu cao, giá trứng artemia ngày càng tăng, nhất là vào mùa mưa.

Cán bộ kỹ thuật Trại tôm giống Công đoàn Thủy sản Cần Thơ đang cho tôm bột ăn trứng artemia.

Artemia được bà con nông dân vùng ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) nuôi từ nhiều năm nay. Người ta nuôi artemia để lấy trứng làm thức ăn cho ấu trùng tôm, cá bột trong quy trình sản xuất con giống. Trứng artemia ở vùng nuôi Vĩnh Châu và Vĩnh Lợi được các nhà khoa học đánh giá có chất lượng cao nhất thế giới. Giá bán trứng bào xác tại ruộng nuôi rất cao. Vì thế, diện tích nuôi artemia ngày càng tăng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thủy sản, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Những năm 1986, chúng tôi đến Vĩnh Châu nghiên cứu và bắt đầu thả nuôi thử nghiệm artemia trên ruộng muối. Lúc đầu, kết quả nuôi không cao. Nhưng, những năm sau chúng tôi tiếp tục rút kinh nghiệm, nên đã đạt kết quả cao, sản lượng năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận từ mô hình nuôi artemia trên ruộng muối cao gấp 5 lần so với sản xuất muối. Từ đó, diện tích nuôi dần phát triển trong dân vùng ven biển. Có năm, diện tích nuôi artemia ở Vĩnh Châu và Vĩnh Lợi lên đến gần 1.100ha”.

Năm 2007, ở Vĩnh Châu và Vĩnh Lợi, diện tích nuôi artemia được gần 200ha, thời gian nuôi vào mùa khô, thu hoạch đạt sản lượng trên 10 tấn trứng tươi. So với những năm trước, diện tích nuôi artemia có giảm, nguyên nhân do một số nông dân chuyển đổi sang nuôi tôm sú. Nhưng do diện tích nuôi giảm, sản lượng thu hoạch giảm, nên giá bán trứng artemia tăng khá cao. Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu cho biết: “Khi thu hoạch, trứng artemia tươi có giá bán 350.000-380.000 đồng/kg trứng, tăng 80.000-110.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Cá biệt, những tháng cuối vụ nuôi như hiện nay, giá trứng artemia lên đến 450.000-500.000 đồng/kg, người nuôi artemia thu được lợi nhuận khá cao”.

Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu-Bạc Liêu là nơi duy nhất nuôi artemia lấy trứng cung cấp cho các trại sản xuất tôm, cá giống và xuất khẩu. Năm nay, Hợp tác xã tổ chức nuôi với diện tích 90ha tại Bạc Liêu và huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu cũng như bà con ngoài hợp tác xã nuôi artemia luân vụ trong ruộng muối, tạo ra mô hình canh tác độc đáo và hiệu quả tôm - muối - artemia. Nhờ nuôi artemia mà nhiều hộ nông dân ở vùng biển Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi có cuộc sống khấm khá hơn, lợi nhuận thu được khoảng 10 triệu đồng/vụ.

Hiện nay, trứng khô artemia sau khi chế biến từ trứng tươi được bán với giá 1,7-2 triệu đồng/kg. Trên thị trường bán lẻ, giá trứng artemia khô khoảng 2,3-2,5 triệu đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trứng khô artemia tăng 300.000-500.000 đồng/kg. Được biết, 1 kg trứng khô artemia được chế biến từ 3 kg trứng tươi. Sau khi được chế biến thành sản phẩm khô, trứng artemia có thời gian sử dụng rất lâu, khoảng 5 năm. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Hiện nay, thời tiết vào mùa mưa, artemia không còn nuôi trên đồng muối, do đó giá trứng artemia khô có khả năng tăng cao trong thời gian tới”.

Hiện hầu hết các cơ sở sản xuất giống thủy sản ở ĐBSCL đều vào vụ do nông dân chuẩn bị thả nuôi con giống tôm canh xanh, cá... trong mùa nước nổi năm 2007. Trại tôm Công đoàn thủy sản Cần Thơ đang vào thời kỳ cao điểm sản xuất con giống tôm càng xanh và tôm sú. Trạm giống có quy mô 48m3, sản xuất trên 3 triệu con post giống tôm càng xanh/năm và 12 triệu con post giống tôm sú/năm. Trong thời điểm hiện tại, sản lượng sản xuất con giống cao nhất trong năm. Trại giống cũng chuẩn bị xuất bán hàng triệu con post giống tôm sú cho nông dân ở Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau... Anh Lê Đức Thanh, cán bộ kỹ thuật Trại tôm giống Công đoàn thủy sản Cần Thơ, cho biết: “Để tôm giống đạt chất lượng cao, ngoài kỹ thuật tạo giống, chúng tôi đặc biệt chú trọng cho con giống ăn trứng artemia được sản xuất tại Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi. Do trứng artemia sản xuất ở 2 địa phương này có hàm lượng chất đạm cao, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho tôm, cá bột. Đặc biệt, con tôm post ăn trứng artemia giúp tăng khả năng phòng chống dịch bệnh, tăng trưởng nhanh...”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, nuôi artemia không những mang lại lợi nhuận khá cao cho bà con nông dân ở Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi mà còn trở thành mô hình cứu cánh cho các hộ dân chuyển đổi sản xuất khi muối rớt giá. ĐBSCL hiện vẫn còn một số địa phương có điều kiện nuôi artemia rất tốt như: Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh... Nếu các địa phương trên có nhu cầu nuôi artemia, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thủy sản sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn, hợp tác...

HÀ VĂN (Theo vietlinh)