Giá trị sản xuất thuỷ sản huyện Cát Hải năm 2010 ước đạt 357.500 triệu đồng, bằng 102 % kế hoạch, tăng 6% so với năm 2009 là kết quả của quá trình vượt khó, nỗ lực của mỗi người dân sống bằng nghề gắn bó với biển. Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa cho biết: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở Cát Hải trong năm qua đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ vốn sản xuất đến ngư trường, dịch bệnh, thời tiết và nguy cơ ô nhiễm vùng nuôi... Tuy nhiên, người dân không nản chí, tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, sản lượng và giá trị sản xuất đều tăng so với năm 2009.
Ngư dân huyện Cát Hải chăm sóc cá lồng bè trên vịnh Cát Bà. Ảnh: Linh Nga
Theo ngư dân Hoàng Văn Dũng (thôn Ngoài, xã Phù Long, đánh bắt ven bờ bây giờ cũng khó vì nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt. Cần vốn quay vòng, nhưng vay ngân hàng không dễ trong điều kiện khó khăn hiện nay. Khoản hỗ trợ của Chính phủ theo Quyết định 289 sử dụng hết từ năm trước. Thực tế, ngư dân không đủ vốn mua sắm phương tiện lớn, mặt khác giá nhiên liệu lên xuống thất thường. Thông tin về ngư trường không đầy đủ cũng như thiếu kinh nghiệm đánh bắt xa bờ khiến họ chỉ quanh quẩn đánh bắt ven lộng mà chưa thể vươn khơi.
Trong khi đó, người nuôi ngao huyện đảo chưa thể quên thời điểm giữa năm khi dịch bệnh khiến ngao chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỷ đồng và nhiều hộ nuôi mất trắng. Trong đó, hàng chục ha nuôi ngao của hơn 30 hộ nuôi ngao xã Hiền Hào bị xóa xổ khiến nhiều gia đình bị thiệt hại, có hộ mất vài trăm triệu đồng, gây khó khăn trong khôi phục sản xuất và duy trì nghề nuôi đem lại lợi ích kinh tế. Nuôi thủy sản trên các vịnh Cát Bà cũng gặp nhiều trở ngại khi vùng nước nuôi bị ô nhiễm do sự phát triển ồ ạt các bè nuôi. Nhất là trong thời gian tới, số lượng bè và lồng nuôi buộc phải giảm tối thiểu nửa số lượng theo quy hoạch nuôi trên vịnh được thành phố phê duyệt. Về lâu dài, đây là chủ trương cần được triển khai để cứu lấy môi trường vịnh, giữ cảnh quan, khơi thông luồng lạch và đạt hiệu quả nuôi trồng. Tuy nhiên, trước mắt, khó khăn với các hộ nuôi là điều không tránh khỏi bởi diện tích ô lồng giảm đồng nghĩa với sản lượng thấp và quy mô sản xuất thu hẹp. Nhưng người nuôi thủy sản trên vịnh ở Cát Hải cũng hiểu rằng, đó là chủ trương hợp lòng dân và cần sớm được triển khai vì sự phát triển bền vững và vì chính cuộc sống của mỗi người dân.
Tiếp tục phát triển sản xuất và duy trì đà tăng trưởng là mục tiêu của ngành thủy sản Cát Hải trong năm 2011. Thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết phát triển nuôi trồng hải sản trên vùng biển Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Do vậy, bên cạnh tăng diện tích nuôi công nghiệp, duy trì đánh bắt ven lộng và hỗ trợ ngư dân vươn khơi, trước mắt, theo Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa: Huyện Cát Hải đang khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung triển khai nhanh một số nội dung theo yêu cầu, di dời 25% số bè nuôi tại vịnh Cát Bà; giảm 10% số ô lồng trên các vịnh. Tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm tra và xử lý các bè nuôi vi phạm nội quy khu neo đậu lồng bè và hành vi cơi nới, đóng mới ô lồng nuôi thuỷ sản.
Văn Lượng
|