Ngư dân đưa hải sản lên bờ. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)
Từ đầu năm đến nay, ngư dân tỉnh Phú Yên đã câu được 4.500 tấn cá ngừ đại dương, tăng 5% so cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng gần 19% sản lượng hải sản đã khai thác.
Hiện nay, tỉnh Phú Yên có khoảng 690 tàu thuyền chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương. Mỗi chuyến câu cá ngừ đại dương có thời gian ít nhất 20 ngày và mỗi tàu thường đạt sản lượng từ 800 kg đến 2 tấn.
Tàu câu cá ngừ đại dương sau khi cập bến được tư thương mua hầu như toàn bộ, trong đó khoảng 60% sản lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...
Tuy vậy, giá nhiên liệu như dầu diesel, đá cây, thực phẩm, lương thực tăng mạnh dẫn đến chi phí cho mỗi chuyến đi từ 80 triệu đến 130 triệu đồng. Do vậy, với giá mua bình quân 125.000 đồng/kg, tàu nào đạt sản lượng 800 kg cá ngừ đại dương trở xuống thì hòa vốn hoặc bị lỗ vốn từ 30 triệu đồng trở lên. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho ngư dân.
Đại úy Nguyễn Ngọc Ry - Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng thuộc Phường 6, thành phố Tuy Hòa cho biết một tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày có 20 đến 30 tàu cập bến cá Phường 6 nhưng mỗi tàu chỉ câu được từ 15 đến 18 con (tương đương khoảng 750 kg đến 900 kg) nên phần lớn ngư dân đều lỗ.
Nhiều ngư dân tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cũng cho biết chi phí chung cho mỗi chuyến đi biển tăng gần 40%, trong khi giá các loại thủy hải sản đánh bắt được chỉ tăng nhẹ so với cùng thời điểm này năm ngoái. Điều này đã khiến rất nhiều tàu đánh bắt, cả xa bờ lẫn gần bờ, phải nằm bờ.
Theo số liệu của Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bến Tre, hiện có hơn 800 phương tiện nằm bờ dài ngày, chiếm khoảng 20% tổng số tàu cá của tỉnh.
Đội tàu cá hơn 4.000 chiếc của Bến Tre đang nằm trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, ra khơi thì đối diện với nguy cơ hòa vốn hoặc thua lỗ, nằm bờ thì lao đao vì lãi suất ngân hàng, đặc biệt đối với tàu đánh bắt xa bờ.
Theo thống kê của chi cục, tính từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tàu thua lỗ dao động từ 20 - 40% tùy loại và phương thức đánh bắt.
Trong khi đó, 90% số tàu cá xa bờ được được đóng từ vốn vay ngân hàng từ 30 - 70% giá trị tàu và giá trị mỗi tàu loại này từ 5 - 8 tỷ đồng/chiếc.
Ông Phan Nhật Thanh, Chi cục phó Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bến Tre cho biết để hạn chế phần nào tác động của gia tăng nguyên nhiên liệu, nhiều chủ tàu cá đã có sáng kiến liên kết.
Theo cách này, nhiều ghe cào có công suất lớn (trên 450 mã lực) chung tay phát triển đội ngũ tàu tải hoặc thuê các tàu loại này chuyên chở sản phẩm từ biển vào bờ và cung cấp dầu, nước đá… chiều ngược lại. Việc này giúp các tàu xa bờ có thời gian bám biển dài ngày hơn (2 - 3 tháng so với khoảng 1 tháng trước đây) và tiết kiệm được chừng 10% chi phí so với từng tàu hoạt động độc lập.
Trước mắt, Chi cục đang khuyến khích người dân phát triển thêm loại hình liên kết này. Về lâu dài, Chi cục đang đề xuất Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách miễn tất cả các loại thuế trong hoạt động đánh bắt thủy sản giai đoạn 2011 - 2020.
Thế Lập - Hưng Thịnh