Phú Tân (Cà Mau) với đặc thù là huyện ven biển, cùng với lợi thế về khai thác biển, nghề nuôi trồng thủy sản trở thành thế mạnh chủ lực. Hiện nay nghề nuôi trồng thủy sản phát triển khá đa dạng với nhiều loại hình, như: chuyên nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, cải tiến năng suất cao, nuôi tôm công nghiệp hay mô hình vườn - tôm, lúa - tôm, rừng - tôm...
Đối với rừng - tôm, đây là mô hình có thời gian phát triển lâu năm nhất. Huyện Phú Tân hiện có khoảng 5.400 ha rừng, trong đó có hơn 4.500 ha sản xuất theo mô hình rừng - tôm kết hợp.
Diện tích này tập trung phần lớn ở các xã có rừng, ven biển như: Nguyễn Việt Khái, Rạch Chèo, Phú Tân, Tân Hải và thị trấn Cái Đôi Vàm.
Từ nuôi tôm thiên nhiên
Cuối những năm 1980, mô hình rừng - tôm trên địa bàn huyện Phú Tân bắt đầu phát triển khá mạnh với việc nuôi tôm thẻ sinh thái, lấy nguồn giống thiên nhiên từ biển và nuôi trong diện tích rừng sản xuất. Người dân vừa nuôi tôm, vừa trồng rừng và có cuộc sống khá ổn định.
Hơn 10 năm sau đó, nguồn tôm giống thiên nhiên dần cạn kiệt, mô hình nuôi tôm sú bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, nuôi tôm sú dưới tán rừng lại gặp nhiều khó khăn do cây rừng khép tán. Tuy không thất trắng nhưng sản lượng rất bấp bênh.
Được cấp trên cho phép, người dân được giao khoán đất rừng đẩy mạnh sản xuất, mở rộng kinh mương theo hướng 70% diện tích rừng phải bảo vệ nghiêm ngặt, 30% còn lại là diện tích dành cho nuôi tôm. Tận dụng diện tích này, bà con khai thác triệt để lợi thế tiềm năng đất đai để tạo diện tích mặt nước và xây dựng bờ bao để nuôi tôm. Theo đó là đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi.
Hơn 90% diện tích đất sản xuất đều được nuôi xen canh tôm - cua - cá và một số loài khác dưới tán rừng như: ốc len, sò huyết… Theo đó, năng suất sản xuất được nâng lên đáng kể, với trên 400 kg tôm, cá các loại/ha. Đời sống người nhận khoán đất rừng được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, hiệu quả của mô hình rừng - tôm vẫn chưa thật sự ổn định. Năng suất nuôi thủy sản có tăng nhưng vẫn thấp hơn 80 kg/ha so với mức bình quân chung trong toàn huyện. Chính vì thế, người dân giữ đất, giữ rừng cần một hướng đi thích hợp để vừa nâng cao đời sống, vừa bảo vệ tốt diện tích cây rừng.
Đến đa dạng hóa các đối tượng nuôi
Định hướng phát triển mô hình rừng - tôm trong thời gian tới, huyện Phú Tân chỉ đạo phát động nhân dân nuôi xen canh tôm, cá nước mặn kết hợp nuôi sò, ốc len theo hướng đa con. Theo đó là tận dụng diện tích bờ bao để trồng hoa màu tăng thu nhập.
Riêng đối với khu vực rừng phòng hộ, huyện sẽ có kế hoạch bố trí giao khoán cho hộ dân nhận bảo vệ rừng kết hợp nuôi các loài thủy sản dưới tán rừng như: ốc len, ba khía, cua… nhằm bảo vệ tốt diện tích cây rừng và tạo điều kiện cho nhân dân có thu nhập.
Hiện nay, mô hình nuôi ốc len dưới tán rừng đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế khá. Huyện Phú Tân quy hoạch vùng nuôi ốc len dưới tán rừng được hơn 70 ha, tập trung ở thị trấn Cái Đôi Vàm và xã Nguyễn Việt Khái. Theo nhiều bà con cho biết, ốc len dễ nuôi, thu gom giống tự nhiên, thời gian thả nuôi khoảng 8 tháng, không cần cho ăn, chỉ canh giữ không cho thất thoát, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/ha, lời khoảng 50%.
Cùng với nuôi ốc len, mô hình nuôi sò huyết dưới chân rừng, trong đầm nuôi tôm cũng manh nha xuất hiện. Đây là điều kiện để bà con nhân dân nơi đây nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Quan trọng hơn là từng bước khôi phục tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Phú Tân./.
QUỐC HIỆP (Nguồn vietlinh)