Các khu du lịch biển nổi tiếng thế giới cũng như ở Việt Nam thu hút nhiều khách du lịch một phần là nhờ có những rạn san hô ven bờ, tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong những nguồn lợi nhỏ mà hệ sinh thái này mang lại.
Theo những nghiên cứu ban đầu, san hô ở Việt Nam khá đa dạng. Vùng biển phía Bắc, san hô phân bố rộng ở phía đông đảo Cát Bà, Vịnh Hạ Long, chân đảo Cô tô, Bạch Long Vĩ... Chỉ tính riêng ở Vịnh Hạ Long đã có 101 loài thuộc 40 giống, 12 họ san hô. Vùng biển phía Nam, từ Đà Nẵng trở vào, các nhà khoa học đã ghi nhận có 177 loài thuộc 72 giống san hô cứng, trong đó 66 giống thuộc nhóm san hô tạo rạn. Ngoài khơi Nha Trang, còn có loại san hô đỏ cực kỳ quý hiếm.
Ngành hải dương học ghi nhận có 398 loài cá, 155 loài động vật thân mềm, 94 loài giáp xác, 37 loài da gai và 174 loài rong biển chuyên sống trong hệ sinh thái san hô. Ở những khu vực này, có tới hàng trăm loài cá được dùng làm cá cảnh có giá trị cao. Hàng năm, từ các rạn san hô vùng biển phía Nam, Việt Nam khai thác được 2.000 - 3.000 tấn cá có giá trị xuất khẩu đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, cố vấn cao cấp của Liên minh Sinh vật biển quốc tế tại Việt Nam cho biết, rạn san hô có thể ví như những khu rừng rậm nguyên sinh dưới biển. Nó là nơi khu trú, nuôi dưỡng và sinh sản của nhiều loài động thực vật khác nhau. Việc khai thác san hô trên thềm lục địa gián tiếp tạo điều kiện di chuyển các cồn cát vào đất liền. Việc khai thác quá mức nguồn lợi hải sản trên các rạn san hô sẽ làm đảo lộn hệ sinh thái ở đây.
Đặc biệt, sau thảm hoạ sóng thần ngày 26/12/2004 ở vùng Nam Á và Đông Nam Á, nhiều nhà khoa học và cũng như dân cư ven biển đã khẳng định vai trò quan trọng của các thềm san hô trong việc ngăn chặn từ xa hiểm họa sóng thần. Có người ví các rạn san hô như lớp "rào thép B52" ngăn chặn những cơn sóng dữ quét vào đất liền.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, cộng đồng dân cư vẫn chưa biết tới các giá trị của rạn san hô, vì vậy người dân vẫn chưa có ý thức bảo vệ san hô. Người dân đã khai thác tàn phá các rạn này như lấy san hô làm đồ trang sức, làm vật trang trí, làm đá vôi hoặc thậm chí có vùng khuyến khích khai thác san hô vì họ cho rằng nó cản trở lưu thông hàng hải.
Để bảo vệ thềm lục địa, từ gần 10 năm nay, nhiều cơ quan có trách nhiệm về môi trường ở Việt Nam đã đề xuất việc thành lập các khu bảo tồn biển thiên nhiên và hiện nay, khu bảo tồn biển Hòn Mun đã chính thức hoạt động, đem lại nhiều lợi ích rõ ràng về du lịch, môi trường và nguồn lợi thuỷ sản.
Theo Thiên nhiên môi trường