Theo báo cáo của WWF, từ nay tới cuối thế kỷ 21, tình trạng Trái đất ấm lên sẽ tàn phá mạnh "Tam giác san hô", một trong những vùng biển giàu các loài sinh vật biển nhất thế giới.

Hiện nay, nhiệt độ nước tăng dần, nước biển dâng cao và độ axít ngày càng tăng, sẽ đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của các dải san hô ở vùng biển này.

Nếu các dải san hô và các loài sinh vật biển bị tàn phá, sản lượng hải sản trong khu vực sẽ giảm tới 80%, đồng thời đe dọa cuộc sống của hơn 100 triệu người trong khu vực này.

WWF cho rằng, để ngăn chặn nguy cơ này chỉ có một giải pháp là thực hiện mục tiêu đến năm 2050 cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - CO2, xuống ngang mức năm 1990.

Tuy nhiên, ông Richard Leck, chuyên gia của WWF nói chỉ cắt giảm lượng khí thải CO2 là chưa đủ. Chuyên gia này kêu gọi chấm dứt quá trình gây ô nhiễm ở khu vực "tam giác san hô" và cấm khai thác bừa bãi các loài sinh vật biển ở khu vực này.

Khu vực "Tam giác san hô" ở Đông Nam Á trải dài qua các phần lãnh hải của Indonesia và Thái Bình Dương, gồm cả Philippines, Malaysia, Đông Timo, Solomon, và Papua New Guinea. Đây là vùng biển rất phong phú và đa dạng các loại sinh vật biển, được coi là "rừng rậm Amazon dưới biển".

Hội nghị Đại dương thế giới lần đầu tiên kéo dài 5 ngày (11-15/05) tại Manado, đảo Sulawesi (Indonesia) với sự tham dự của các đại biểu đến từ 70 quốc gia trên thế giới, nhằm thảo luận về ảnh hưởng của tình trạng Trái Đất ấm lên đối với nước biển, tiến tới thống nhất quan điểm để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở Đan Mạch vào cuối năm nay.

Theo TTXVN, 13/05/2009, thiennhien.net