Tỉnh Phú Thọ nằm ở trung lưu của hệ thống sông Hồng. Trên địa bàn có 3 con sông lớn chảy qua, ngoài ra còn có nhiều suối, ngòi nhỏ. Mỗi dòng sông có chế độ thủy văn và đặc tính môi trường nước riêng hợp lưu lại với nhau. Dưới góc độ về sinh thái môi trường sống khu vực này vốn được xem là nơi cư trú, phân bố kiếm mồi, đồng thời là bãi đẻ, bãi giống của nhiều loài thủy sinh, đặc biệt trong đó có nhiều loài quý hiếm, giá trị kinh tế được ghi trong sách đỏ Việt Nam 2007 như cá Lăng, Chiên, Dầm xanh, Anh Vũ, cá Mòi, cá Cháy, cá Măng… Nhiều khu vực sông ở đây, khai thác thủy sản đã trở thành nghề chính, thu hút nhiều lao động.

Cán bộ Chi cục thủy sản kiểm tra chất lượng giống bố mẹ cá Lăng chấm.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Mạnh Phúc cho biết: Tiềm năng thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh rất lớn, vì thế nghề khai thác thủy sản trên sông đã có từ lâu đời. Chủng loại quần thể cá các sông lớn gồm có trên 110 loài, phân bố trong 25 họ. Riêng khu hệ cá sông Hồng trong địa phận tỉnh có 54 loài thuộc 7 họ, có 5 loài cá quý hiếm như: Cá Lăng, cá Chiên, cá Dầm xanh, cá Anh Vũ, cá Bống... Các loài cá nước ngọt thường xuyên xuất hiện trong năm ở các thủy vực với số lượng lớn hơn so với các loài đặc sản và cá quý hiếm. Nuôi thủy sản đã là nghề truyền thống của hầu hết các địa phương trong tỉnh, phần lớn tập trung vào các loài cá truyền thống như mè, trắm, trôi… tại các mặt nước ao, hồ với kinh nghiệm dân gian là chính nên năng suất và hiệu quả không cao. Nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế về phát triển thủy sản, trong những năm qua tỉnh đã có nhiều chủ trương và chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Nhờ đó đến năm 2010, diện tích nuôi thủy sản ước đạt 9,52 nghìn ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ; tổng sản lượng đạt 20,87 nghìn tấn, tăng 12,2% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 19,7 nghìn tấn.

Những năm gần đây, việc khai thác nguồn lợi thủy sản ở các dòng sông với cường độ ngày càng cao. Mặt khác trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh chóng, nhiều nhà máy, xí nghiệp phát triển trên vùng lưu vực xả các chất thải chưa qua xử lý ra sông. Nhiều công trình đập thủy điện, thủy lợi trên sông đã có những ảnh hưởng nhất định tới môi trường sống, đa dạng thủy sinh vật, nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái sông ở khu vực này. Theo số liệu nghiên cứu của Chi cục Thủy sản thì trong 4 loài cá: Lăng chấm, cá Chiên, cá Bống và cá Anh Vũ trên hệ thống sông Hồng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, xếp ở mức nguy cấp bậc 2. Sản lượng khai thác các loài cá này giảm xuống chỉ bằng 10-15% vào những năm 70, 80 thế kỷ trước; thậm chí sản lượng cá Bống chỉ xấp xỉ bằng 1%. Theo điều tra nghiên cứu về hiện trạng và biện pháp bảo vệ, phục hồi một số loài cá hoang dã quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên hệ thống sông Hồng của nhóm tác giả Phạm Báu, Nguyễn Ðức Tuân, Bùi Ðình Ðặng, Nguyễn Công Thắng (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cho thấy: Sự phân bố của các loài cá này trên hệ thống sông Hồng đang ngày càng thu hẹp, nhìn chung có xu hướng lùi dần về phía thượng lưu các sông, suối, nơi có địa hình hiểm trở, phía hạ lưu không gặp hoặc rất ít gặp. Bãi đẻ của các loài này hầu như không còn, cá đẻ phân tán, rải rác trên khu vực thượng nguồn các sông, suối.

Do tình trạng đánh bắt vô tội vạ, không được ra ngăn chặn, quản lý nên chỉ sau một thời gian ngắn, những loài cá trên đã khan hiếm. Ngay cả hai loài cá Chiên, cá Lăng, nếu không có biện pháp quản lí chặt chẽ thì cũng sẽ biến mất như cá Anh Vũ. Vấn đề này đòi hỏi các cơ quan nghiên cứu bảo tồn cần đầu tư nhiều hơn nữa cho việc thăm dò thực địa, đưa những con cá cuối cùng (nếu có) về nuôi và cho sinh sản tại phòng thí nghiệm để giữ lấy nguồn gen quý hiếm sắp biến mất. Năm 2008, được sự quan tâm của Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I và Chi cục thuỷ sản tỉnh đã triển khai tiếp nhận công nghệ: “Sinh sản nhân tạo cá Lăng chấm”. Đây là loài cá đặc hữu, có giá trị kinh tế cao, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy việc tiếp nhận công nghệ sản xuất con giống để bảo tồn nguồn gen quý hiếm và góp phần phục hồi nguồn lợi là rất cần thiết. Hiện nay, tại một số nơi đã tiến hành nuôi thử nghiệm các loại cá Anh Vũ, Lăng chấm, cá Chiên và cá Bống trong lồng, ao. Qua nuôi thử nghiệm đã cho kết quả khả quan: Cá Lăng chấm, cá Anh Vũ có triển vọng tốt khi nuôi trong ao có bổ sung nước không thường xuyên; cá Chiên nuôi tốt trong lồng, không thích hợp ở ao nước tĩnh, thay nước định kỳ; cá Bống thích hợp nuôi trong ao, lồng ở điều kiện miền núi phía Bắc. Từ thành công trong chuyển giao con giống những năm qua, đã tạo điều kiện cho nhiều giống thủy sản mới tiếp tục được ứng dụng rộng rãi.

Thực hiện chủ trương phát triển, duy trì các loài cá quý hiếm, bảo vệ sự đa dạng sinh học của khu vực, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ra Quyết định 3622/QĐ-BNN-KH ngày 18-11-2008, giao nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết khu vực bảo tồn thủy vực cấp quốc gia ngã 3 sông Đà - Lô – Thao. Nơi đây được chọn làm khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp Quốc gia, nằm trong quy hoạch hệ thống bảo tồn các thủy vực nội địa ở Việt Nam tới năm 2020. Đó cũng là cơ hội cho việc lưu giữ, bảo tồn những giống cá quý trên địa bàn tỉnh ta, mở hướng phát triển kinh tế cho nhiều nông dân nuôi trồng thủy sản.

Châu Anh