Hiện nay, tình hình nuôi tôm hùm ở các vùng biển Phú Yên vẫn duy trì ổn định. Tuy nhiên, tôm hùm nuôi ở một số vùng như Vũng Rô (huyện Đông Hòa), Phước Lý, Xuân Thọ 1 (huyện Sông Cầu) vẫn còn chết rải rác với các triệu chứng như đen mang, sưng khớp đầu ngực, long đầu, bệnh sữa. Để ngăn chặn bệnh tôm hùm lây lan trên diện rộng gây thiệt hại nặng về kinh tế, người nuôi tôm hùm cần thực hiện các biện pháp phòng trừ sau:
Đối với bệnh đen mang: Nguyên nhân mang tôm bị đen là do sắc tố Melanin phát triển tại các mô của mang bị phá hủy do: ký sinh trùng sán lá đơn chủ (xuất hiện nhiều sau các cơn mưa), nấm Fusarium, vi khuẩn dạng sợi Vibrio, nồng độ khí độc Amoniac và Sulfur hydro trong môi trường cao. Hậu quả: Tôm bỏ ăn, hô hấp kém, nằm dưới đáy lồng và chết rải rác.
Cách phòng trị: Tắm cho tôm bằng một trong các hóa chất sau: dùng Formol với nồng độ từ 15 - 25ml/m3 nước trong 10 - 15 phút, có sục khí, thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày; dùng Sulfat đồng, nồng độ 0,5gr/m3 nước trong 5 - 7 phút, có sục khí, thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày. Lưu ý tôm bệnh sau khi xử lý thuốc cần được thả nuôi ở một lồng khác. Treo những túi vải có chứa vôi ở giữa lồng tôm hoặc đặt ở những vùng đáy lồng nuôi bị ô nhiễm. Vôi có tác dụng diệt ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn tốt.
Có thể sử dụng một số kháng sinh như Norfloxacin, Nalidixic acid, Ciprofloxacin để phòng trị bệnh bằng cách trộn vào thức ăn với lượng từ 30 - 50mg/kg thức ăn, thời gian điều trị từ 5 - 7 ngày.
(* Việt Linh lưu ý bà con nuôi tôm: Các kháng sinh như Norfloxacin, Ciprofloxacin... đã bị cấm sử dụng theo quyết định số 26/2005/QĐ-BTS của Bộ thủy sản ký ngày 18 tháng 8 năm 2005)
Đối với bệnh long khớp đầu ngực: Nguyên nhân: Tôm nhiễm vi khuẩn Vibro sp, Aeromonas. Hậu quả: Tôm chết rải rác đến hàng loạt.
Cách phòng trị: Tắm cho tôm trong dung dịch Oxytetracylin với nồng độ 0,5 - 2gr/m3, thời gian tắm 15 phút; thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày. Trộn thuốc kháng sinh Oxytetracylin với lượng từ 40 - 50mg/kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 - 7 ngày. Nên sử dụng dầu mực bao ngoài thức ăn để kích thích tôm bắt mồi. Trong tất cả các trường hợp cần chú ý quản lý tốt chất lượng thức ăn, tránh dư thừa gây ô nhiễm vùng nuôi, định kỳ đánh vôi xung quanh lồng hoặc treo túi vôi để khử khuẩn nguồn nước.
Kỹ sư NGUYỄN THỊNH (Nguồn vietlinh)