Tại bờ biển Gabon, Tây Phi, các nhà khoa học đã phát hiện ra quần thể rùa da lớn nhất thế giới. Phát hiện này có được nhờ những cuộc khảo sát trên không kết hợp với việc giám sát mặt đất ở những bãi biển nơi loài rùa này làm tổ sinh sản.
Con số vượt xa mong đợi
Nghiên cứu đã ước lượng được khoảng 15000 đến 43000 con rùa da cái làm tổ sinh sản trên bãi biển Gabon. Con số này vượt xa mong đợi từ 10000 đến 15000 con. Kết quả đã được công bố trên tạp chí điện tử Biological Conservation (Bảo tồn sinh thái) ngày 18/05 vừa qua.
Phát hiện này đã kết thúc một dự án nghiên cứu kéo dài 7 năm nhằm xác định số lượng rùa ở Gabon do tiến sĩ Matthew Witt, Annette Broderick và Brendan Godley thuộc Đại học Exeter thực hiện cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức bảo tồn rùa địa phương và quốc tế.
Lần theo dấu vết của quần thể rùa biển không phải là công việc đơn giản. Việc xác định số lượng rùa da không thể thực hiện trên những khu vực rông lớn và hầu hết các cuộc nghiên cứu chỉ có thể ước lượng số rùa cái làm tổ trên các bờ biển khắp thế giới. Đôi khi các khu vực làm tổ này xa xôi và việc tiếp cận trực tiếp rất khó khăn và tốn kém.
Nói về nghiên cứu của mình, tiến sĩ Witt cho biết: “Các khảo sát trên không rất có kết quả. Chúng tôi có thể bay phía trên bãi biển nơi chúng làm tổ và đánh giá một cách nhanh chóng chỉ qua một vài cuộc khảo sát trong suốt mùa sinh sản. Tuy nhiên, khảo sát trên không hiện không được sử dụng trong các nghiên cứu về số lượng cá thể trong một quần thể sinh học và vì vậy một phần mục đích của chúng tôi là xác định xem liệu đây có thực sự là phương pháp hữu ích hay không”.
Những dấu chân trên cát
Cứ đến mỗi mùa sinh sản, sau những đợt thủy triều dâng cao thì nhóm nghiên cứu lại tiến hành ba chuyến khảo sát từ không trung dọc 600 km bờ biển Gabon. Máy bay được trang bị một máy quay phim để ghi lại những dấu chân rùa trên bãi biển. Giống như các loài động vật khác, rùa da để lại dấu chân rất đặc trưng của chúng. Không thể nào nhầm lẫn chúng với những loài rùa khác nhờ kích thước và độ sâu của dấu chân.
Trở về phòng thí nghiệm, các nhà khoa học tính toán số lượng dấu vết của rùa da và chia chúng thành 2 loại: một là vào bờ để sinh sản, một là trở về biển. Những dữ liệu thô sau đó được phân tích, điều chỉnh các sai sót có thể và đối chiếu với các con số thu được từ các cuộc khảo sát mặt đất.
Với 15 000 đến 43 000 con cái làm tổ sinh sản, Gabon được xem là bãi biển có loài rùa da sinh sống rộng lớn nhất thế giới và trở thành điển hình cho công tác bảo tồn loài này trên toàn cầu.
Sự chênh lệch rất rõ về số lượng ở các vùng khác nhau là do tập quán sinh sản của loài rùa da. Một số rùa cái đẻ trứng hai năm một lần, số khác lại đợi tới ba năm để sinh sản, và thậm chí những chu kì đó còn phụ thuộc vào lượng thức ăn mà chúng hấp thụ giữa các kỳ sinh nở. Điều này có nghĩa là trong vài năm có những bãi biển rất đông đúc rùa da, trong khi những nơi khác sẽ có số lượng ít hơn.
Kết quả của nghiên cứu đã mang lại niềm hy vọng mới về sự tồn tại của loài rùa da trên toàn cầu. Tiễn sĩ Witt cho biết: “Trong khi cuộc sống của loài rùa da đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thì dường như ở Đại Tây Dương số lượng loài rùa này lại ổn định và đang gia tăng”.
Tiến sĩ Godley, Broderick và Witt dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu về loài rùa da tại quần thể ở phía Nam Đại Tây Dương và cũng vừa nhận được khoản trợ cấp Darwin để tiến hành công việc này. Một nghiên cứu sâu hơn là thực sự cần thiết bởi xung quanh những khu vực này là các vùng kinh tế đang phát triển song công tác bảo tồn lại chưa được quan tâm đúng mức.
Trần Thị Hoàng (Theo Planet Earth, 18/05/2009, thiennhien.net)