Uỷ ban Thường trực về Chuỗi thức ăn và Sức khoẻ vật nuôi của Uỷ ban Châu Âu (EC) đã có cuộc họp vào tuần trước để bàn về một quyết định áp đặt các biện pháp khẩn cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ tiêu thụ tại các nước châu Âu.

Tờ The Hindu đưa tin, cuộc họp này được tổ chức sau khi cuộc họp diễn ra vào ngày 24/3 đưa ra một quyết định dự thảo về vấn đề này. Nếu quyết định dự thảo này được thông qua, toàn bộ tôm nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ phải cung cấp kết quả kiểm tra phân tích chứng minh sản phẩm không nhiễm dư lượng nitrofuran.

Một nguồn tin cho biết. trong một trường hựp tương tự, Cơ quan Thực phẩm và An toàn Nhật Bản (JFSA) đã phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu pendimethalin vượt quá ngưỡng cho phép trong tôm nuôi nhập khẩu từ một công ty của Ấn Độ,

Nhật Bản là nhà nhâp khẩu lớn thứ hai của thuỷ sản Ấn Độ sau EU- hai thị trường này chiến lần lượt 16% và 35% trong tổng xuất khẩu thuỷ sản của Ấn Độ.

EU tổ chức nhiều cuộc họp để bàn về kết quả chuyến thị sát của đoàn thanh tra EC tại Ấn Độ cho thấy những thiếu sót về hệ thống kiểm soát dư lượng trên động vật sống và các sản phẩm động vật tại nước này. Ngoài ra, cũng có nhiều báo cáo từ các nước thành viên EU về các chất chuyển hoá của nitrofuran trong tôm nhập khẩu từ Ấn Độ.

Các cảnh báo nhanh đã được ban hành ngay sau khi Bỉ cho biết có sự hiện diện của nitrofuran và furazolidone trong các sản phẩm tôm Ấn Độ, số tôm này đã bị giam giữ và không được phép đưa ra thị trường. Những cảnh báo tương tự cũng đã được đưa ra trong tháng 2.

Chính phủ Ấn Độ đã trả lời bằng cách thực hiện nhanh chóng các biện pháp an toàn để bảo vệ xuất khẩu thuỷ sản của nước này, ngay cả khi Nhật Bản đã dỡ bỏ các biện pháp tương tự mà Châu Âu thực hiện gần đây.

G.Mohankumar, Chủ tịch Cơ quan Phát triển Xuất khẩu thuỷ sản Ấn Độ (MPEDA) cho biết: “Số lượng các lô hàng bị từ chối và cảnh bảo từ phía EU đối với tôm Ấn Độ đã tăng lên trong 3 tháng trước. Tuy nhiên trong thời gian tới, chúng sẽ nhanh chóng giảm ngay khi các biện pháp tổng kiểm tra đối với các lô hàng xuất khẩu được thực hiện. Hiện nay, sáu phòng kiểm nghiệm mới đã được thiết lập và chỉ các lô hàng đã kiểm tra mới được phép xuất khẩu”.

Trên 90% số lô hàng bị từ chối là của các nhà xuất khẩu của Andhra Pradesh - một khu vực địa lý tương đối nhỏ.Các quan chức cho rằng, những biện pháp trừng phạt khắt khe có thể được thực hiện đối với Andhra Pradesh và làm cho quá trình giám sát hiệu quả hơn.

Các chỉ thị về kiểm soát các trại nuôi trồng thủy sản theo hướng vệ sinh và hiệu quả đã được đề ra, tất cả được yêu cầu thực hiện nghiêm túc, Hiệp hội Xuất khẩu thuỷ sản Ấn Độ (SEAI) nhấn mạnh.

NVA-theo Fis, vietlinh