Năm nay, Phú Yên lại được mùa cá ngừ đại dương, sản lượng khai thác 5 tháng qua đạt hơn 1.000 tấn, tăng 61% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các đại lý "bắt tay" thao túng thị trường thu mua cá và cung ứng xăng dầu, cho nên ngư dân chẳng được lợi bao nhiêu. Nhiều tàu không còn mặn mà ra khơi như lúc đầu vụ.
Tại bến cá Ðông Tác thuộc phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), chúng tôi gặp những gương mặt mệt mỏi trên tàu PY 91972 của ông Lê Văn Mười vừa cập bến sau chuyến đi biển dài ngày. Anh Lê Thanh, một người đi bạn trên tàu của ông Mười giãi bày: "Chuyến trước, chúng tôi bám biển ròng rã 29 ngày, chỉ được chia gần một triệu đồng, tính ra tiền công mỗi ngày chưa bằng đi phụ hồ! Chuyến này mất 23 ngày, câu chỉ được 20 con, chắc chỉ đủ bù chi phí, đám bạn không nhận được đồng nào, cho nên chẳng còn mấy ai muốn ra khơi nữa".
Chủ tàu Lê Văn Mười than phiền: "Ngư dân chúng tôi vất vả vật lộn với sóng gió mới câu được con cá ngừ, nhưng đến khi đem cá bán còn vất vả hơn".
Hiện tượng tư thương ép giá, ép phẩm cấp, ép cân "già ký"... thường xuyên xảy ra tại các bến cá ở Phú Yên, nhất là vào chính vụ, hoặc vào thời điểm nhiều tàu thuyền tiêu thụ cùng loại hải sản với số lượng lớn.
Sáng 14-5, tàu PY 92447 của ông Trần Văn Lại vào bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa) bán 12 con cá thì bị cơ sở mua cá của ông P P N hạ cấp 10 con cá từ loại 1 xuống loại 2. Ông Lại đành chịu lỗ chuyến biển này hơn 30 triệu đồng. Hầu hết chủ tàu thuyền đều biết kiểu mua ép phẩm cấp cá như trên, nhưng cũng phải bán cá cho tư thương, bởi lẽ trước khi ra khơi họ đã vay vốn hoặc mua nợ xăng, dầu...
Tại Phú Yên có hai doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và 19 đầu mối mua ủy thác cá ngừ đại dương. Giá cả, phẩm cấp cá ngừ đều do các cơ sở thu mua này quyết định. Và từ lâu, họ đã "bắt tay" để ép giá cá ngừ Phú Yên thấp hơn các tỉnh lân cận rất nhiều. Dường như mỗi buổi sáng, các đại lý đều "phôn" cho nhau để bắt tay "làm giá" mua cá ngừ. Còn đánh giá chất lượng cá thì hoàn toàn tùy thuộc vào người mua. Người mua đánh giá chất lượng cá theo kiểu dùng que đâm thử thịt cá và phụ thuộc ở "cái nhìn" bằng mắt. Ðiều này dẫn đến tình trạng các chủ nậu luôn ép phẩm cấp cá của ngư dân một cách vô tội vạ để trục lợi. Chỉ cần ép một con cá ngừ (khoảng 50 kg) từ loại 1 rớt xuống loại 2, thì người mua đã thu lời hơn một triệu đồng (hiện nay, giá cá giữa loại 1 và loại 2 chênh lệch nhau 23.000 đồng/kg). Mỗi ngày, một chủ nậu có thể mua cả chục tấn cá, chỉ cần ép cấp năm con thì bỏ túi thêm không dưới năm triệu đồng. Cái lý mà các cơ sở thu mua hạ cấp loại chất lượng cá là do ngư dân kéo dài thời gian đánh bắt trên biển và câu nhiều cá bị "ngủ nước" (cá chết trước khi kéo lên tàu), cá phèn (do ướp đá bị phèn)...
Mấy năm nay, giá cá ngừ ở Phú Yên dao động ở mức từ 60 đến 75 nghìn đồng/kg loại 1. Năm nay, đầu vụ giá cá ngừ loại 1 là 75 nghìn đồng/kg, sau đó giảm dần, vào chính vụ chỉ còn 63-65 nghìn đồng/kg; giá cá loại 2 chỉ 40 nghìn đồng/kg và loại 3 là 20 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, xăng dầu liên tục lên giá, ngư cụ và các vật phẩm cần cho chuyến đi biển không ngừng tăng lên. Ðã vậy, họ còn lệ thuộc vào các chủ nậu thu mua cá ngừ do ứng trước xăng dầu, nên "thiệt đơn, thiệt kép". Mỗi tàu câu cá ngừ đại dương (loại có công suất từ 90CV trở lên) ra khơi cần từ 4.500 - 5.000 lít dầu với chi phí không dưới 40 triệu đồng. Theo tính toán của ngư dân, so với các năm 2004 - 2005, hiện nay chi phí mỗi chuyến biển tăng 30%, riêng chi phí cho nhiên liệu tăng thêm 15 triệu đồng/chuyến. Với mức giá bán sản phẩm cá ngừ như hiện nay, tàu câu cá ngừ đại dương phải đạt sản lượng hơn một tấn/chuyến mới bù đắp được chi phí.
Toàn tỉnh có gần 900 chiếc tàu có công suất lớn câu khơi, chỉ cần mỗi tàu đi một chuyến thì cả tỉnh tiêu mất hơn 36 tỷ đồng tiền dầu. Ðây là "mảnh đất" màu mỡ để các đại lý buôn bán xăng dầu. Ðiều đáng nói, do năm trước nhiều tàu khai thác cá ngừ thua lỗ nặng, nên trong vụ năm nay, lợi dụng việc thiếu vốn của ngư dân, một số cơ sở buôn bán xăng dầu đã trục lợi bằng cách đầu cơ bán dầu với giá tăng từ 100 đến 200 đồng/lít.
Tình trạng bán dầu với giá cao trong mùa khai thác cá ngừ đã tồn tại từ lâu, ảnh hưởng thu nhập của ngư dân, song chưa được các cơ quan có chức năng quan tâm hỗ trợ, giải quyết. Do vậy, trong khi ngư dân càng bám biển càng gặp khó khăn, có khi lỗ nặng, thì các cơ sở tư nhân mua cá ngừ, kinh doanh xăng dầu lại thu lợi cao và giàu lên nhanh chóng.
Những năm gần đây, ngư dân Phú Yên mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn chuyển sang khai thác cá ngừ. Từ thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ lên tàu lớn đánh bắt khơi xa, nên không ít trong số họ còn thiếu kinh nghiệm, chưa làm chủ được kỹ thuật, chưa nắm bắt được ngư trường di chuyển cá ngừ, dẫn đến đánh bắt đạt sản lượng thấp.
Bên cạnh đó, việc sơ chế cá ngừ trên tàu kém, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Tháo gỡ khó khăn cho ngư dân để tiếp tục phát triển nghề khai thác cá ngừ đang là vấn đề cấp bách đối với ngành thủy sản Phú Yên. Ngành thủy sản phải tính toán lại cơ cấu nghề nghiệp, mức độ khai thác khơi, dự báo ngư trường; giúp ngư dân tổ chức lại sản xuất, thành lập tổ tàu thuyền hỗ trợ nhau khi đánh bắt, nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, sản lượng khai thác.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần nhanh chóng triển khai dự án xây dựng Trung tâm Dịch vụ cá ngừ phường 6, trong đó sớm xây dựng chợ đầu mối mua bán cá ngừ của khu vực miền trung nhằm ngăn chặn tình trạng ép giá, ép cấp loại gây thiệt hại cho ngư dân.
Theo ND, Việt Linh