Cả tuần nay, người nuôi tôm hùm ở Vũng Rô, xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) liên tục kêu cứu do tôm hùm nuôi bị chết hàng loạt, nằm phơi trắng bụng dưới đáy lồng. Người dân hoang mang, không biết thuốc để chữa trị, đổ lỗi cho các bè nuôi cá mú đã gây ra tình trạng này. Nhiều người bức xúc đã ngăn chặn không cho các doanh nghiệp phát triển thêm bè cá mú, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Thế nhưng, các ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa vào cuộc để can thiệp, tìm ra nguyên nhân để giúp dân “cứu” tôm!

TÔM HÙM “RỤNG” TỪNG NGÀY

Lái thuyền ra vùng nuôi để kéo lồng, chăm sóc, vệ sinh, cho tôm hùm ăn… là công việc nặng nhọc thường dành cho cánh đàn ông, vậy mà mấy hôm nay, bà Cao Thị Lan, tuổi đã ngoài năm mươi, quá sốt ruột nên phải ra tay làm để mong “cứu” đàn tôm của mình đang “rụng” từng ngày. Bà Lan than thở: “Tôm hùm nuôi gần một năm rưỡi đạt trọng lượng từ 0,7 - 0,8kg/con, gần đến kỳ thu hoạch rồi. Vậy mà không hiểu sao cứ bơi lờ đờ rồi lũ lượt lăn đùng ra chết. Vụ này, cũng giống như hàng chục hộ khác ở Vũng Rô, gia đình tôi dốc hết vốn gần 350 triệu đồng đầu tư nâng cấp lồng bè, thả nuôi 1.200 con tôm hùm thương phẩm. Thế nhưng, bây giờ tôm chết chỉ còn lại khoảng 550 con. Nếu tính bình quân mỗi con tôm được 0,7kg, bán theo giá thị trường 700.000 đồng/kg loại một, thì tôi mất đứt hơn 310 triệu đồng rồi.

Hàng chục người dân ở thôn Vũng Rô đang mất ăn mất ngủ, vì tôm hùm nuôi liên tục “rụng” với số lượng lớn, có nguy cơ trắng tay. Ở cuối Bãi Ngà, thôn Vũng Rô, chúng tôi gặp ông Văn Sáu mới đi thăm lồng tôm trở về với gương mặt phờ phạc, nhễ nhại mồ hôi, ngồi ngay góc nhà rũ rượi cả tay chân. Ông Sáu giơ đôi bàn tay chai sạn nói: “Để thả nuôi được 800 con tôm hùm thương phẩm, tui phải vay, mượn thêm gần 50 triệu đồng của ngân hàng và người thân trong gia đình. Nuôi tôm hùm với giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư rất lớn, nên mức độ hao hụt cho phép phải tính bằng con số từng con ở mỗi lồng bè. Nguồn thu nhập của gia đình hoàn toàn dựa vào con tôm hùm, vậy mà bây giờ lỗ vốn nặng, không biết làm gì để trả nợ ngân hàng và lo cho cuộc sống hàng ngày…!”.

Cả tuần nay, người dân Vũng Rô liên tục kêu cứu, chạy nháo nhào mua đủ các loại thuốc phòng trị bệnh tôm sú để trị bệnh cho tôm hùm, nhưng không đạt kết quả. Ông Nguyễn Hứa, Trưởng thôn Vũng Rô cho biết, biểu hiện chủ yếu của tôm chết là đỏ thân, đen mang và cháy đuôi. Hiện tỉ lệ tôm hùm chết khá cao, từ 20 - 40% trong tổng số lượng hơn 1.000 lồng tôm hùm nuôi ở Vũng Rô, thiệt hại kinh tế cho người nuôi lên đến hàng tỉ đồng.

CÓ PHẢI TÔM CHẾT DO… CÁC BÈ CÁ MÚ?

Ông Lìu Say Hoan – người Việt gốc Hoa, phụ trách quản lý cơ sở nuôi cá mú của Công ty Vĩnh Tín: “Chính quyền địa phương chấp nhận cho công ty thuê mặt nước thì công ty có quyền nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, công ty chỉ mới nuôi cá mú được 1/3 diện tích mặt nước được thuê. Còn việc tắm cá chỉ sử dụng nước ngọt, chứ hoàn toàn không dùng hóa chất độc hại. Chỉ thỉnh thoảng sử dụng hóa chất khi cá mú bị bệnh nặng, nên khó có thể ảnh hưởng đến môi trường nuôi tôm hùm! Chúng tôi cũng phải bảo vệ môi trường trong sạch để nuôi cho cá mú phát triển chứ!”

Trước thực trạng tôm “rụng” từng ngày, người nuôi tôm ở Vũng Rô hoang mang, lo lắng và đổ lỗi cho các bè nuôi cá mú đã sử dụng hóa chất để tắm cá, rồi vệ sinh lồng, xả thải ra mặt nước, gây “stress” cho tôm hùm chết hàng loạt. Nhiều người dân ở đây đã trực tiếp ngăn chặn một xe tải chở gỗ để lắp đặt thêm lồng bè để phát triển nuôi cá mú của doanh nghiệp tư nhân Mỹ Ngọc; đồng thời dùng ghe thuyền kéo nhau ra biển ngăn chặn không cho doanh nghiệp này đưa một dàn bè cá mú từ Cam Ranh (Khánh Hòa) vào nuôi ở Vũng Rô. Bà Trần Thị Ngọc bức xúc: “Nước ở Vũng Rô ít lưu thông ra biển, trong khi đó nhiều bè nuôi cá mú chiếm dụng mặt nước rất lớn, rồi đổ hóa chất, đổ thức ăn thừa và cá bệnh chết trôi dạt ra làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng, thì làm sao con tôm hùm sống được!”. Cuối tháng 4/2004, tôm hùm nuôi ở Vũng Rô cũng bị chết hàng loạt, theo phản ánh của người dân, nguyên nhân chính là do ô nhiễm hóa chất từ bè nuôi cá mú của DNTN Mỹ Ngọc. Sau đó, ngành thủy sản, chính quyền địa phương can thiệp buộc doanh nghiệp này không sử dụng hóa chất, giảm số lượng cá mú nuôi; đồng thời hướng dẫn cho bà con các biện pháp phòng ngừa bệnh tôm. Nhờ đó, trong hai năm 2005 - 2006, tôm hùm nuôi ở Vũng Rô phát triển ổn định, mang lại lợi nhuận cao cho dân. Thế nhưng, từ cuối năm 2006 đến nay, DNTN Mỹ Ngọc sử dụng mặt nước được thuê hằng năm trên 30.000m2 để hợp tác hay sang nhượng cho các doanh nghiệp khác mở rộng quy mô nuôi cá mú lên gấp nhiều lần. Thêm vào đó, Công ty Vĩnh Tiến cũng thuê được mặt nước 12.000m 2 đầu tư một dàn bè 100 lồng, chuyển 100.000 con cá mú từ Vũng Tàu về nuôi tại Vũng Rô. Đến tháng 5/2007, khi lồng bè nuôi cá mú phát triển mạnh cũng là lúc tôm hùm liên tục “đổ bệnh”, điều này làm cho người dân càng “tin” nguyên nhân tôm bệnh chết nhiều là do bè cá mú gây ra!

Theo ông Nguyễn Hứa, Trưởng thôn Vũng Rô, đến nay các ngành chức năng vẫn chưa lấy mẫu tôm bệnh để phân tích nguyên nhân tôm bệnh, chưa kiểm tra và xác định chính xác các bè cá đã sử dụng loại hoá chất gì và có làm ảnh hưởng đến môi trường sống tôm hùm hay không, để thông báo công khai cho bà con yên tâm. Một thực trạng dễ nhận thấy là phong trào nuôi trồng thủy sản ở Vũng Rô thiếu quy hoạch, riêng nghề nuôi tôm hùm tự phát ồ ạt, chất thải từ thức ăn rất lớn, làm cho môi trường quá tải, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thêm vào đó, UBND xã Hòa Xuân Nam không đủ chức năng, thẩm quyền cho thuê tài nguyên mặt nước, nhưng vẫn ký giấy cho các doanh nghiệp thuê (mỗi doanh nghiệp nuôi cá mú đóng phí mặt nước cho xã chỉ khoảng 3 triệu đồng/năm - PV) mặt nước ở Vũng Rô. Trong khi đó, các ngành chức năng cũng... làm ngơ, không kiểm tra các điều kiện sản xuất thủy sản đúng pháp luật, không kiểm tra an toàn vệ sinh thú y thủy sản đối với các cơ sở nuôi cá mú, gây mất lòng tin trong nhân dân!...

Mỗi ngày đi qua, tôm hùm “rụng” từ vài chục đến vài trăm con. Người dân Vũng Rô đang thật sự chao đảo và rất trông chờ các ngành chức năng và chính quyền địa phương giúp họ giải quyết những vướng mắc và sớm tìm ra giải pháp để “cứu” tôm hùm.

Theo TN, Vasep