Dù đã có nhiều công trình nghiên cứu và triển khai sản xuất tôm càng xanh nhưng nghề này chưa phát triển tương xứng, do các quy trình công nghệ chưa có tính thực tiễn cao. Đó là các đóng góp cho đề án nuôi tôm càng xanh giai đoạn 2005-2010.

Sáng 13/7, đề án này đã được Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (NCNTTS II) góp ý để chuẩn bị trình lên Bộ Thuỷ sản trong tháng 7 này.

Với những vấn đề đang tồn tại hiện nay, rất nhiều công trình nghiên cứu sản xuất giống cũng như nuôi thương phẩm tôm càng xanh nhưng chưa đi đến đâu. Ông Trần Công Xuân, nguyên viện phó Viện NCNTTS II đề nghị: "Đề án "Phát triển nuôi tôm càng xanh năm 2005-2010" phải vạch cho được nguyên nhân vì sao cho đến nay việc sản xuất giống tôm càng xanh không đáp ứng nhu cầu thị trường và giá thì quá cao . Nghiên cứu tôm càng xanh đã bao nhiêu năm mà tỷ lệ sống thì quá thấp".

Thay mặt nhóm lập đề án, ông Nguyễn Minh Thành -

 
Các bể nuôi nghiên cứu sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực tại Trại Thực nghiệm Thủy sản Thủ Đức.
Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thuỷ sản đồng bằng sông Cửu Long thừa nhận: "Mặc dù nước ta đã có nhiều công trình nghiên cứu và triển khai sản xuất tôm càng xanh trên nhiều địa phương nhưng nghề nuôi tôm càng xanh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng mặt nước, nguồn nhân lực dồi dào ở nông thôn, thị trường tiêu thụ". Nguyên nhân, theo ông, là do các quy trình công nghệ về sản xuất giống và nuôi tôm càng xanh "chưa có tính thực tiễn cao".

Nhóm tác giả đề xuất: Đẩy mạnh công nghệ sản xuất giống nước trong hệ thống hở ở vùng ven biển, sản xuất giống tôm càng xanh trong ao đất ở vùng nhiễm mặn, sản xuất giống nước trong tuần hoàn, sản xuất giống nước xanh và nước xanh cải tiến ở vùng nội đồng; sản xuất tôm càng xanh toàn đực bằng con cái giả thông qua kỹ thuật vi phẫu.

Đối với công nghệ nuôi trồng, giai đoạn đầu của dự án khuyến khích thả nuôi tôm càng xanh mương vườn, ruộng lúa (nội đồng và vùng ngập lũ) theo mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến. Sau đó, đẩy mạnh nuôi bán thâm canh, thực hiện nuôi công nghệ sạch để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Mục tiêu của đề án này là phấn đấu đến năm 2010, tổng lượng tôm càng xanh giống sản xuất đạt 4,1 tỷ con, trong đó có khoảng 20% là tôm đơn tính đực. Diện tích nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến khoảng 100.000ha, năng suất 250-350kg/ha. Nuôi bán thâm canh diện tích khoảng 30.000ha, năng suất 1 tấn/ha

 
Tôm càng xanh.

Việc phát triển công nghệ nuôi tôm càng xanh theo hướng sản xuất hàng hóa, làm đa dạng hóa sản phẩm thủy sản sẽ giảm bớt rủi ro cho người nuôi vì lâu nay họ chỉ quan tâm đến con tôm sú. Hơn nữa, việc phát triển nuôi tôm càng xanh sẽ sử dụng hợp lý diện tích các loại hình mặt nước ngọt nội địa, đặc biệt là vùng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng và vùng ngập lũ trong cả nước.

Nam Anh (theo VnExpress)