- Ðảo Cát Bà, với cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng, được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, là địa điểm lý tưởng phát triển du lịch và kinh tế thủy sản, nghề nuôi hải sản lồng bè trên biển. Nhưng hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường biển Cát Bà đang ở mức báo động, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền đưa ra những giải pháp tích cực để nghề nuôi thủy sản ở đây phát triển bền vững.
Hình thành tự phát làng nuôi cá bè
Lênh đênh trên chiếc thuyền nan ra vịnh Bến Bèo, mới giật mình trước tốc độ phát triển "chóng mặt" của số lượng bè nuôi hải sản ở đây. Du khách không thể phóng tầm mắt mà thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây nữa bởi sự che chắn của từng dãy bè nuôi cá lồng san sát nhau, những phên giậu "cắm nát" mặt biển, mùi cá tanh nồng, đây đó những túi ni-lông, vỏ chai nhựa và xác cá chết nổi trôi trên mặt biển. Các tàu chở khách du lịch phải khó khăn mới tìm được đường đi ở khu vực này để ra các đảo nhỏ và vịnh Lan Hạ. Nước biển trong các khu vực vịnh đang mất đi sự xanh trong vốn có, giờ đây là mầu lờ lờ lẫn rác, chất thải và nhất là nguồn thức ăn (chủ yếu từ cá tạp, cá vụn) thừa từ các bè nuôi thải ra.
Anh Ðinh Hữu Sơn, quê ở Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên), người ra lập bè nuôi từ khá sớm (năm 2000) và giờ chuyển hẳn cả gia đình ra sinh cơ, lập nghiệp nơi đây, cũng thừa nhận: Lúc trước nước biển xanh, sạch và không có mùi tanh như bây giờ. Khi đó chỉ có vài bè nuôi rải rác, nay mặt vịnh gần như không còn chỗ trống, ồ ạt nhất là từ cuối năm 2007 và đầu năm 2008.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Cát Hải Nguyễn Ðình Khượng cho biết: Nghề nuôi cá lồng bè ở Cát Bà bắt đầu từ năm 2000, khi việc đánh bắt gặp khó khăn bởi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, một số người khảo sát, nuôi thử nghiệm cá lồng bè có kết quả tốt. Việc nuôi cá lồng bè là hướng phát triển mới và có hiệu quả, phát huy được tiềm năng, thế mạnh khu vực này. Nhờ vậy, nhiều gia đình cũng thoát nghèo, kinh tế khá giả nhờ nuôi cá lồng bè. Sản lượng thủy hải sản nuôi trồng, nhất là các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: Cá song, cá vược, cá giò, cá hồng, tu hài... phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu không ngừng tăng nhanh. Nhiều hộ dân từ huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) ra, từ Yên Hưng (Quảng Ninh) sang lập bè mới, thậm chí kéo cả bè đang nuôi từ Quảng Ninh sang. Theo thống kê, cuối tháng 10-2008, trên biển Cát Bà có tới 571 bè nuôi với hơn mười nghìn ô lồng nuôi cá. Tăng hơn ba nghìn ô lồng so với năm 2005. Nhiều nhất là ở vịnh Bến Bèo có 305 bè nuôi với 6.478 ô lồng; vịnh Cát Bà với 165 bè nuôi với 2.158 ô lồng; vịnh Lan Hạ có 101 bè nuôi với 1.773 ô lồng. Các ô lồng nuôi giờ đã giăng giăng gần kín các mặt vịnh. Ngoại trừ khu vực vịnh Bến Bèo có tổ tự quản thu gom rác sinh hoạt thải ra từ các hộ dân sống trên bè thải ra để chở vào đất liền xử lý, còn các khu vực khác rác cứ vô tư xả xuống biển từ các bè nuôi hải sản và cả các bè kinh doanh ăn uống.
Ô nhiễm ở làng nuôi cá bè
Mức độ ô nhiễm môi trường biển tại khu vực nuôi cá lồng bè trên vịnh biển Cát Bà đã thật sự trở thành vấn đề bức xúc, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì môi trường của khu vực nuôi nói riêng và vùng biển Cát Bà nói chung sẽ bị phá vỡ.
Không gian của vùng vịnh biển Cát Bà hạn hẹp, mặt khác vịnh Lan Hạ là một địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách. Ðây là tiềm năng và lợi thế của Cát Bà trong phát triển hoạt động du lịch - ngành "công nghiệp không khói". Nếu không được bảo vệ và gìn giữ thì tiềm năng và lợi thế này cũng không còn. Số bè nuôi tăng, kèm theo đó nhiều vấn đề chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường nảy sinh. Tình trạng khai thác cá con làm thức ăn cho cá ở các bè khu vực nuôi rất phức tạp. Bất chấp mọi khuyến cáo và luật pháp trong khai thác, nhiều hộ đã sử dụng các hình thức đánh bắt cá con như sử dụng te kích điện, chất nổ, lưới mắt nhỏ, đây là hình thức khai thác mang tính hủy diệt môi trường biển. Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, lực lượng an ninh trên đảo đã bắt 92 vụ sử dụng te kích điện khai thác thủy sản trái phép, bắt 30 vụ trộm cắp; bắt 32 vụ sử dụng chất nổ, thu 206 kg thuốc nổ, 612 kíp nổ, 77,5 m dây cháy chậm; bắt hai vụ với bảy đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Tình trạng đưa cả gia đình xuống sinh sống trên bè nuôi làm cho việc an sinh xã hội khu vực trở nên phức tạp. Việc học hành của con trẻ, chăm sóc sức khỏe người già gặp nhiều khó khăn.
Việc phát triển các ô lồng, cắm sào quây lưới bừa bãi để nuôi thủy sản không chỉ làm mất cảnh quan du lịch, gây cản trở giao thông mà còn gây thiệt hại kinh tế cho bản thân người nuôi. Nhiều hộ nuôi thừa nhận khi số lượng bè nuôi và số ô lồng tăng nhanh thì cá nuôi chậm lớn, phải đầu tư nhiều tiền vốn, công sức và thời gian, lợi nhuận từ nuôi cá ngày càng giảm sút. Thực tế, người nuôi đã nhiều phen lao đao vì cá chết hàng loạt, nổi trắng mặt bè, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng và biết bao mồ hôi công sức bỗng chốc tan thành mây khói và còn phải bỏ thêm công sức ra dọn "bãi rác" tanh thối này. Cá nuôi chết hàng loạt có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do môi trường bị ô nhiễm.
Cần sớm có giải pháp bảo vệ môi trường
Ðể cho nghề nuôi cá lồng bè và ngành du lịch dịch vụ trên biển ở Cát Bà phát triển bền vững, cần phải giữ gìn, bảo vệ môi trường cho Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà. Khi môi trường biển của Cát Bà bị ô nhiễm, nghề nuôi cá lồng bè không thể tồn tại và tiếp đó là du lịch Cát Bà sẽ mất. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề môi trường liên quan sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo mà đặc biệt là phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Cát Hải đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường nơi đây. Chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Hòe cho biết: Huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT, thị trấn Cát Bà, Ðồn Biên phòng 54 và các phòng, ban chuyên môn tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, đánh số bè, số lồng và cấp giấy chứng nhận nuôi lồng bè cho các hộ dân; tổ chức đánh giá các mô hình nuôi thử nghiệm, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nuôi lồng bè; tạm sắp xếp các bè nuôi để bảo đảm giao thông cho thuyền bè qua lại; đồng thời ra thông báo yêu cầu nhân dân không cơi nới phát triển số lồng, không phát sinh các bè nuôi mới, không cắm giậu nuôi...
Ðã đến lúc, huyện Cát Hải và các ngành chức năng của TP Hải Phòng cần có đánh giá một cách khoa học về môi trường khu vực biển Cát Bà để xây dựng quy hoạch, xác định diện tích nuôi tối đa được phép, phân bổ vùng nuôi từng loại hải sản phù hợp... sao cho vừa phát triển được nghề nuôi hải sản, vừa phát triển du lịch, bảo đảm cảnh quan và bảo vệ môi trường biển của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trước mắt cần tăng cường quản lý, kiên quyết không để phát sinh mới lồng nuôi, giậu nuôi. Sắp xếp lại để cho số lồng nuôi đã đăng ký tại các địa điểm hiện nay nhưng phải theo quy hoạch và số lượng nhất định phù hợp. Huyện và các ngành cần sớm tổ chức việc thu gom, xử lý rác thải từ các bè nuôi và trong khu vực vịnh theo hướng xã hội hóa. Ðể làm tốt các công việc này, Cát Hải cũng cần có một ban quản lý vịnh để nâng cao vai trò quản lý nhà nước, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường vùng biển Cát Bà. Vì một Cát Bà trong lành, xứng với danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cần có những hành động thiết thực ngay từ hôm nay.
NGÔ QUANG DŨNG (Nguồn: nhandan)